TĐK T - Chiều 24/4, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất (KCN&CX) Phạm Khắc Tuấn chủ trì Hội nghị.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố, đồng chí Phạm Khắc Tuấn, Trưởng Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội cho biết: Sau hội nghị đối thoại với công nhân lao động năm 2017, UBND TP đã giao 47 nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trực thuộc thành phố giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động trong các KCN.
Đến nay, có 30 nhiệm vụ đã được triển khai thực hiện xong, 7 nhiệm vụ đã được triển khai bước một, hiện đang tiếp tục triển khai, giải quyết thuộc các sở, ngành, đơn vị gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP huyện Sóc Sơn, UBND huyện Thạch Thất, UBND huyện Đông Anh, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch LĐLĐ TP Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban quản lý các KCN&CX Phạm Khắc Tuấn chủ trì Hội nghị đối thoại.
Tại buổi đối thoại với lãnh đạo TP Hà Nội, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc chậm triển khai dự án nhà ở cho công nhân tại KCN Quang Minh, KCN Bắc Thăng Long và đề xuất thành phố tạo điều kiện cho công nhân được mua nhà chung cư.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp nhiều năm qua đã được thành phố thường xuyên quan tâm. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2014, thành phố đã có kế hoạch xây dựng nhà ở thu nhập thấp cho sinh viên, công nhân lao động.
Theo kế hoạch, thành phố sẽ xây dựng 6,2 triệu m2 nhà ở cho người có thu nhập thấp, đến nay, đã xây dựng 3,5 triệu m2, còn 2,5 triệu m2 đang triển khai. Trong 3,5 triệu m2 nhà ở cho người thu nhập thấp có giá bán dưới 15 triệu đồng thành phố đều không thu phí sử dụng đất.
Thành phố cũng đang kêu gọi xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà ở KCN Quang Minh, bổ sung xây nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, xây dựng khu nhà ở công nhân thuộc địa phận huyện Quốc Oai và Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, vấn đề thành phố phải giải quyết liên quan đến diện tích các căn hộ. Theo quy định của Bộ Xây dựng, đối với các căn hộ trên địa bàn TP Hà Nội diện tích thấp nhất là 45 m2, vì vậy, nếu muốn có căn hộ cho công nhân có giá từ 200 - 400 triệu đồng thì phải hạ diện tích.
Hà Nội dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng để xây nhà ở cho công nhân với diện tích từ 35 – 40 m2. Hiện, thành phố làm việc với doanh nghiệp để có thể hạ giá thành xuống dưới 15 triệu đồng/m2 cho các căn hộ diện tích nêu trên.
Vấn đề các đại biểu quan tâm về trạm y tế, trường mầm non trong khu công nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung tiếp thu và cho biết, thành phố sẽ phối hợp với các chủ đầu tư KCN để dành đất xây dựng trạm y tế, trường mầm non cho con em công nhân. "Thành phố luôn ủng hộ những nhu cầu chính đáng này và sẽ thực hiện trong quý II/2018" - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Trả lời về kiến nghị hỗ trợ cho người nghèo được vay vốn, Chủ tịch UND TP Hà Nội cho hay: Hiện, người nghèo vẫn vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội, thành phố đã đầu tư ngân sách, hỗ trợ nên người lao động có nhu cầu thì sẽ được hỗ trợ. Chủ tịch đề nghị LĐLĐ TP Hà Nội xem xét nhu cầu cụ thể của người lao động và làm cầu nối với Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện việc cho vay vốn.
Cũng tại buổi đối thoại, đối với ý kiến đại biểu nêu về vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn, Chủ tịch Hà Nội nêu ý kiến, đây không chỉ là vấn nạn của riêng Hà Nội hay của Việt Nam mà của nhiều thành phố lớn trên thế giới. Hà Nội còn khó khăn hơn bởi hạ tầng giao thông đang phát triển chưa thể đáp ứng đủ với tốc độ đô thị hóa, bên cạnh đó là ý thức khi giao thông chưa cao, nhiều phương tiện giao thông đặc biệt là xe máy...
Hiện TP Hà Nội còn 38 "điểm đen" về ùn tắc giao thông. Năm 2017, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố và được thông qua đề án giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn tầm nhìn đến năm 2030 với nhiều giải pháp và hy vọng các giải pháp sẽ dần khắc phục các hạn chế nêu trên. Trước mắt, thành phố khắc phục bằng hệ thống điều khiển giao thông, quản lý phương tiện giao thông, tăng cường tuyên truyền ý thức giao thông...
Chủ tịch UBND TP mong muốn LĐLĐ TP Hà Nội sẽ phát động phong trào để công nhân và người lao động trên toàn địa bàn tăng cường ý thức khi tham gia giao thông chấp hành tốt luật giao thông đường bộ…
Hưng Vũ