TĐKT - Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018 - 2023 diễn ra từ ngày 23/4 – 25/4 với sự tham gia của 550 đại biểu. Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhận định: “Để phong trào và hoạt động của các cấp công đoàn (CĐ) Thủ đô ngày càng hiệu quả, các cấp CĐ luôn xác định dù khó khăn đến đâu cũng luôn đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hướng về cơ sở, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động (NLĐ)”.
Phóng viên Tạp chí Thi đua Khen thưởng đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.
Phóng viên: Nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, có thể thấy LĐLĐ TP Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng kể trên nhiều mặt, với cương vị là Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, xin bà cho biết đâu là dấu ấn của Công đoàn Thủ đô?
Với tinh thần “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập, phát triển”, tôi khẳng định rằng, điểm nổi bật nhất của hoạt động CĐ Thủ đô trong nhiệm kỳ qua chính là giai đoạn công đoàn cơ sở (CĐCS) ở Thủ đô phát triển vượt bậc cả về chất và lượng. Đó cũng là giai đoạn các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô” được đẩy mạnh.
Từ các phong trào này, đã có 154.234 lượt công nhân lao động (CNLĐ) đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, 8.881 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở, 595 “Công nhân giỏi Thủ đô”; 77.585 lượt CNLĐ đạt danh hiệu “Sáng kiến sáng tạo” cấp cơ sở, 6.448 CNLĐ đạt “Sáng kiến sáng tạo” cấp trên cơ sở và 479 lượt cá nhân được UBND TP Hà Nội biểu dương “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn
Một điểm nổi bật khác, trước khi có Quyết định số 655/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các khu công nghệ - chế xuất" được ban hành vào ngày 12/5/2017, LĐLĐ TP Hà Nội đã tham mưu cho Thành ủy Hà Nội về việc bố trí kinh phí thí điểm xây dựng nhà ở, nhà trẻ tại khu công nghiệp. Qua đó, đã giải quyết được chỗ ở cho gần 20.000 CNLĐ và nhà trẻ phục vụ cho con CNLĐ...
Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, chương trình phối hợp công tác giữa CĐ Thủ đô với các cấp chính quyền TP Hà Nội được đánh giá cao. Để nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng cũng như bức xúc của NLĐ nhằm ngăn chặn kịp thời mầm mống đình công, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp, hằng năm LĐLĐ TP Hà Nội đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với CNLĐ, cán bộ công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động ở các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội.
Qua đó, đã có gần 200 kiến nghị của CNLĐ và người sử dụng lao động được UBND TP. Hà Nội tiếp thu và chỉ đạo các Sở, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp, chế xuất Hà Nội, chính quyền các quận, huyện, thị xã xem xét giải quyết.
Bên cạnh đó, từ sự tham mưu của LĐLĐ TP Hà Nội, những kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội tại các buổi làm việc với LĐLĐ TP Hà Nội; qua chương trình phối hợp công tác giữa LĐLĐ TP Hà Nội với UBND TP Hà Nội và các sở, ngành chức năng, trong 5 năm qua, các Sở, ngành chức năng của thành phố đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, công tác an toàn vệ sinh lao động tại 870 doanh nghiệp; trong đó, kiểm tra việc thực hiện sau kết luận thanh tra và kiểm tra nợ đọng bảo hiểm xã hội tại 105 doanh nghiệp thu được gần 450 tỉ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…
Phóng viên: Thiết thực chăm lo lợi ích đoàn viên công đoàn, chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động là một trong những nội dung được nhiều đoàn viên công đoàn, đặc biệt người lao động quan tâm và luôn mong muốn Công đoàn Thủ đô trở thành “chỗ dựa”. Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã quan tâm đến vấn đề này như thế nào?
Với nhiều hình thức phong phú, đem lại hiệu quả thiết thực, nhiệm kỳ qua, các cấp công đoàn đã tích cực tham gia cùng cấp ủy, chính quyền trong việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là việc sắp xếp lại lao động, giải quyết chế độ cho hàng nghìn lao động dôi dư theo đúng quy định; giới thiệu việc làm cho hơn 10.000 lao động tại các doanh nghiệp; hướng dẫn lập, thẩm định cho vay 405 dự án, đảm bảo đúng quy định, đúng nguyên tắc quản lý Quỹ quốc gia và Quỹ Trợ vốn; đã giải ngân 96,423 tỷ đồng cho 4.015 lượt hộ gia đình CNVCLĐ vay, góp phần tăng thu nhập từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng/lao động.
Tất cả mọi hoạt động của các cấp công đoàn TP Hà Nội đều vì lợi ích đoàn viên công đoàn. Nhiệm kỳ qua, từ nguồn “Quỹ xã hội Công đoàn” và các nguồn hỗ trợ khác, LĐLĐ TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 300 “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 8,630 tỷ đồng. Các cấp công đoàn TP Hà Nội đã tổ chức 2.781 chuyến xe ô tô miễn phí đưa 124.730 lượt CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết với tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng. Trong đó, LĐLĐ TP. Hà Nội trợ cấp 3.515 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức 301 chuyến xe ô tô miễn phí đưa CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết, thăm hỏi các đơn vị làm nhiệm vụ trực Tết, tổ chức “Tết Sum vầy”, thăm và tặng quà cho các cháu bị bệnh hiểm nghèo… với tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng.
Các cấp công đoàn TP Hà Nội đã thương lượng, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác là doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và NLĐ với giá ưu đãi từ 10% - 30%… Có thể khẳng định rằng, với sự quan tâm của tổ chức công đoàn, CNLĐ Thủ đô đang ngày càng gắn bó hơn với doanh nghiệp của mình.
Phóng viên: Có thể nói, các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ của các cấp công đoàn được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Nhưng để khắc phục tính hình thức, thực sự thu hút CNVCLĐ, theo bà, LĐLT thành phố sẽ tiếp tục có định hướng thế nào?
LĐLĐ TP đã chỉ đạo các cấp công đoàn đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, cải tiến kỹ thuật, cải tiến mẫu mã, giữ vững thương hiệu sản phẩm với “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” ở các cơ quan hành chính và phong trào “Nâng cao đạo đức nghề nghiệp” ở các đơn vị giáo dục, thực hiện cuộc vận động “ Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo”.
Từ các phong trào thi đua phải góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn, của người lao động trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Phát hiện, biểu dương “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô” tiếp tục được lựa chọn hàng đầu trong nhiệm kỳ mới
Nhiệm kỳ tới, LĐLĐ TP tập trung nâng cao vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động. Tập trung chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động. Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục trong đoàn viên và người lao động. Đổi mới và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua. Đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên. Nâng cao chất lượng hoạt động nữ công. Tăng cường công tác tài chính và hoạt động kinh tế công đoàn. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của công đoàn. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Công đoàn Thủ đô. Tập trung đổi mới công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn, của người lao động trong phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.
Phóng viên: Trước thềm Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVI, bà có nhắn gửi gì tới CNVCLĐ?
Tôi mong rằng, đội ngũ CNVCLĐ và tổ chức công đoàn Thủ đô tiếp tục sáng tạo, phấn đấu học tập, công tác, lao động sản xuất với chất lượng, hiệu quả cao nhất để đưa hoạt động công đoàn TP Hà Nội có những bước tiến dài mạnh mẽ hơn nữa đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Thủ đô, đất nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!
Hưng Vũ (thực hiện)