TĐKT – Sáng 24/4, tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020”.
Một điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của chuỗi Gà đồi Ba Vì trên địa bàn thành phố
Dự án được triển khai từ tháng 10/2015 với mục tiêu là hoàn thiện 11 mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo ATTP; đến năm 2020 cung cấp cho thị trường 14 tấn thịt lợn/ngày, 6,5 tấn thịt gia cầm/ngày, 105 nghìn quả trứng/ngày, 105 tấn sữa tươi/ngày và 1 tấn thịt bò/ngày; xây dựng 12 nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giao Trung tâm Phát triển chăn nuôi chủ trì triển khai thực hiện Dự án.
Sau 2 năm triển khai, nhiều nội dung, chỉ tiêu của Dự án đã đạt kết quả khả quan, tạo tiền đề để hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Tới nay, TP Hà Nội đã xây dựng được 10 mô hình chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn: Gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu, thịt lợn sinh học Quốc oai, thực phẩm A-Z, thực phẩm 3F, thực phẩm Tiên Viên, thịt bò Hà Nội, sữa Ba Vì.
Các chuỗi đã bước đầu hoàn thiện với đầy đủ các nhóm tác nhân liên kết hợp tác trên cơ sở hợp đồng quy định rõ ràng quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết. Hồ sơ pháp lý cho các chuỗi đã cơ bản được hoàn thiện.
Sản phẩm của chuỗi được đăng ký nhãn hiệu bảo hộ, công bố tiêu chuẩn chất lượng. Hình thành các cửa hàng, điểm bán và giới thiệu các sản phẩm của chuỗi trên địa bàn thành phố, tập trung chủ yếu tại các quận nội thành.
Hàng ngày, các chuỗi tham gia Dự án đang cung cấp cho thị trường 8,14 tấn thịt lợn; 4,22 tấn thịt gia cầm; 1,5 tấn thịt bò; 72 nghìn quả trứng gà và 90 tấn sữa tươi.
Kết quả thực tiễn các mô hình chuỗi trong Dự án triển khai 2 năm qua đã khẳng định: Chỉ có phương thức tổ chức chăn nuôi theo chuỗi thì mới khắc phục được tình trạng bấp bênh, thiếu ổn định trong chăn nuôi và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng; đồng thời, công tác quản lý ATTP trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn vệ sinh hiện nay mới được triệt để.
Do vậy, trong tương lai, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết đảm bảo ATTP gắn với quy hoạch, ứng dụng công nghệ cao sẽ là xu thế để hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATTP, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tạo sự ổn định, bền vững.
Trang Lê