TĐKT - Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, nhưng nhờ biết nắm bắt thời cơ và bản tính chăm chỉ, cần cù, dám nghĩ dám làm và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, ông Đặng Xuân Hạnh (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã xây dựng cho mình cơ ngơi kinh tế khiến nhiều người mơ ước.
Ông Hạnh chăm sóc vườn ngô của gia đình
Năm 1990, sau khi hoàn thành nghĩa vụ, trở về địa phương, ông Hạnh cùng với gia đình phát triển kinh tế. Ban đầu, cùng với nhiều hộ hội viên nông dân khác trong vùng, trên diện tích ít ỏi của gia đình cộng thêm mấy sào ruộng mướn của mấy hộ dân trong xóm, ông đã trồng lúa và hoa màu. Những lúc nông nhàn, ông tranh thủ làm thêm nghề máy xát gạo và chạy xe thuê.
“Cuộc sống vất vả quanh năm mà thu nhập chẳng được bao nhiêu so với công sức bỏ ra. Với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, tôi thấy được đồng đất quê mình có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế và làm giàu hơn nữa.” – ông Hạnh chia sẻ.
Bởi vậy, năm 2005, sau khi được sự đồng thuận của gia đình, ông đã đấu thầu 6 mẫu đất do UBND xã quản lý thuộc chi 3, 4 Đồng Phú để trồng ngô, khoai lang, đỗ tương. Khi đó ông mới sử dụng 1 máy phay đất loại nhỏ nên việc canh tác chủ yếu dựa vào sức người. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất và hạch toán kinh tế, ông thấy phải mở rộng diện tích hơn nữa để đưa máy móc hiện đại vào sản xuất kết hợp với lựa chọn giống cây trồng phù hợp mới có thể làm giàu được.
Với quyết tâm ấy, năm 2007, ông Hạnh dồn toàn bộ số tiền dành dụm cùng với tiền vay mượn anh em họ hàng và Ngân hàng, thuê hơn 80 mẫu đất. Trong đó đất UBND có 6 mẫu, còn lại là ông thuê trực tiếp của bà con xã viên.
Với diện tích này ông đã đầu tư một máy cày đa năng vừa làm đất, vừa tra hạt, bỏ phân trị giá hơn 250 triệu đồng; một máy phay đất; hai máy chuyên trở phục vụ sản xuất. Có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, việc canh tác gặp rất nhiều thuận lợi, vừa giải phóng được sức lao động vừa đảm bảo được thời vụ, đồng thời lại tăng hiệu quả sản xuất. Ngoài phục vụ cho gia đình, ông còn mang máy đi phục vụ cho nhân dân các thôn lân cận.
Năm 2014, ông thuê thêm diện tích ruộng của một số hội viên trong chi hội xóm 4, Trần Xá, nâng tổng diện tích 100 mẫu đất canh tác. Ông Hạnh đã mạnh dạn chuyển từ trồng ngô lấy hạt sang trồng ngô làm thực phẩm cho bò sữa.
“Mật độ cây trồng dày hơn, chi phí đầu vào thấp nên lợi nhuận thu về cũng cao hơn đáng kể so với trồng ngô lấy hạt mà lại chắc ăn hơn.”- ông Hạnh cho biết.
Tuy vậy, chưa bằng lòng những thành quả đã đạt được, để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác, ông tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nghĩ là làm, từ giữa năm 2014 ông quyết định chuyển từ chăn nuôi bò ta sang chăn nuôi bò sữa rồi đến chăn nuôi gà ta thả vườn.
Hiện nay ông đang chăn nuôi 26 con bò sữa trong đó có 14 con đang cho khai thác sữa. Với thuận lợi nguồn thức ăn sản xuất được, mỗi năm việc chăn nuôi bò sữa đã đem lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình.
Đến năm 2015, ông đã chuyển đổi 70/100 mẫu đất hiện tại của gia đình từ trồng ngô sang trồng húng quế dược liệu. Theo ông Hạnh, thời gian trồng húng thích hợp là từ đầu năm cho đến tháng 8, trong khi thời gian sinh trưởng của trồng rau húng từ khi gieo đến khi thu hoạch khoảng hơn một tháng. Như vậy, một năm trồng được 3 lứa rau húng. Đây là cây dễ trồng trên đất thịt, khâu quan trọng nhất là làm đất, chọn giống, gieo hạt và bón phân. Đất phải tơi, đắp luống cao để chống ngập úng.
Rau húng sau khi thu hoạch được đưa vào chế xuất thành tinh dầu húng và bán cho công ty thu mua. Mỗi sào rau húng sẽ cho 2,5 – 3 kg tinh dầu. Với mức giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/kg như hiện nay, mỗi sào rau húng quế tương đương với mức đầu tư cho một sào ngô nhưng lợi nhuận cao hơn gấp 2 - 3 lần.
Tất cả các khâu trong suốt quá trình sản xuất trừ cấy giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến thành tinh dầu đều do gia đình ông tự thực hiện, do đó đã giảm chi phí thuê lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, ông Hạnh cũng tích cực giúp đỡ người dân nơi đây làm giàu. Mô hình sản xuất của gia đình ông đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.
Ông và gia đình đã giúp đỡ được 12 hộ trong xã về kỹ thuật kinh nghiệm sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng ngô làm thức ăn cho bò sữa.
Ngoài ra, ông cũng tích cực tham gia đóng góp tiền của, công sức vào các phong trào ở địa phương và của Hội như xây dựng nông thôn mới với số tiền 60 triệu đồng, tham gia thực hiện tốt công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Nói về dự định trong tương lai, ông Hạnh chia sẻ: Tôi sẽ tiếp tục phát triển cơ cấu vật nuôi, cây trồng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế. Bên cạnh một máy thái cỏ hiện có, tôi sẽ đầu tư thêm một máy thu hoạch, băm chặt, sơ chế ngay tại ruộng nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu cơ giới hóa của gia đình cũng như bà con xã viên địa phương, đồng thời tăng quy mô đàn bò sữa lên 30 - 40 con.
Tuệ Minh