TĐKT - Giảm tải tai nạn lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động tại nơi làm việc là vấn đề cấp bách và bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đưa ra các giải pháp và có đối thoại định kỳ về chính sách an toàn, vệ sinh lao động là hết sức cần thiết, nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, các cơ quan nhà nước…
Cần có những chính sách giảm thiểu tai nạn lao động
Thống kê chưa đầy đủ từ Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, số người thiệt mạng do tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm qua tăng. Năm 2017, toàn quốc xảy ra 8.956 vụ TNLĐ làm 9.173 người bị nạn. Trong đó có 928 người tử vong, tăng 65 người với năm trước đó.
Số nạn nhân bị TNLĐ thuộc cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực lao động phi chính thức. Cụ thể, số vụ TNLĐ chết người 898 vụ, 101 vụ có số người bị nạn từ hai người trở lên. Bên cạnh đó, số người bị thương nặng: 1.915 người, có hơn 2.700 nạn nhân là lao động nữ.
Còn theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên thế giới, mỗi ngày có khoảng 6.400 người chết do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, 860 nghìn người bị thương khi làm việc. Gánh nặng do thương tích, ốm đau, tử vong dẫn đến những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế, đặt ra nhu cầu bức thiết về việc đầu tư thỏa đáng vào công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ở cấp quốc tế, quốc gia và cấp doanh nghiệp.
Đặc biệt, chủ đề Ngày Thế giới về an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc (28/4/2018) là “Xây dựng một thế hệ người lao động an toàn và khỏe mạnh”. Ở Việt Nam, hơn một triệu lao động trẻ bước chân vào thị trường lao động mỗi năm. Lao động ở độ tuổi 15-24 chiếm 15% tổng lực lượng lao động cả nước. Người lao động, người sử dụng lao động, cơ quan quản lý Nhà nước và các đối tác xã hội cùng chung tay xây dựng nơi làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe nhằm đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.
Theo Cục An toàn lao động, chỉ tính riêng năm năm 2017, cơ quan này đã phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện kiểm tra hơn 40 tổ chức huấn luyện về ATVSLĐ. Đồng thời, Cục phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tổ chức sáu đoàn kiểm tra tại 30 doanh nghiệp, hơn 20 tổ chức hoạt động kiểm định. Qua đó đã thu hồi 78 kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và yêu cầu các tổ chức hoạt động kiểm định nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, quy trình kiểm định trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: Cục An toàn lao động cần có văn bản chỉ đạo những đơn vị chịu trách nhiệm rút giấy phép, từ chối với những doanh nghiệp không bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình huấn luyện an toàn lao động. Nếu đơn vị nào vẫn cố tình móc nối với doanh nghiệp để làm việc này, sẽ rút giấy phép, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Đây là việc phải làm vì vấn đề quan trọng, có liên quan đến tính mạng con người.
Trong tháng này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cùng các bộ sẽ trình Chính phủ việc sửa đổi một số quy định, đơn giản hóa các thủ tục, giảm bớt điều kiện kinh doanh trong kiểm định, quan trắc môi trường lao động. Bên cạnh đó có những giải pháp căn cơ hơn để bảo đảm môi trường lao động an toàn, bảo đảm sức khỏe cho người lao động tốt hơn.
Vào tháng 5, Bộ sẽ khởi động Tháng hành động về ATVSLĐ trong cả nước. Chủ đề năm nay tập trung giải quyết vấn đề ATVSLĐ trong những ngành nghề có nguy cơ cao, có giải pháp giảm tai nạn lao động. Nếu giảm được tỷ lệ tai nạn lao động trong khu vực này, mặt bằng chung về TNLĐ sẽ giảm.
La Giang