TĐKT - Ngày 21/3, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh mùa hè năm 2018. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hội nghị này là dịp để ngành y tế nhận định tình hình phòng, chống dịch trên toàn quốc và đưa ra các dự báo cho công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2018 trên cơ sở đánh giá công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2017, những biện pháp đã triển khai và các bài học kinh nghiệm đã được rút ra.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, việc huy động cộng đồng và sự vào cuộc của chính quyền các cấp đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Mặc dù từ đầu năm đến nay chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm bùng phát, nhưng vẫn lo ngại nhất là dịch bệnh sốt xuất huyết, mà vụ dịch năm ngoái xảy ra tại Hà Nội là một bài học.
Do đó đối với một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, dịch bệnh mùa hè cần đánh giá tình hình, đưa ra dự báo chính xác nhất. Cụ thể, hơn 80 trường hợp bị sởi trong mấy tháng đầu năm, trong đó có nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi. Thực tế này cho thấy miễn dịch sởi ở trẻ em thì có còn người lớn thì không. Hiện nay trẻ em lại chính là hàng rào miễn dịch bệnh sởi cho cộng đồng. Rồi tình trạng nhiều trẻ mắc ho gà dưới 2 tháng tuổi. Vì sao có tình trạng này? Nguyên nhân là do miễn dịch của bà mẹ không có, vì vậy đây là lý do gây nên tình trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh sởi, bệnh ho gà.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng đề nghị Cục Y tế dự phòng, chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và chương trình tiêm chủng nói chung về việc đảm bảo bao phủ vắc xin với người lớn, đặc biệt tập trung cho các bà mẹ trong tuổi sinh đẻ về các bệnh sởi, ho gà, bạch hầu... "Vừa rồi chúng tôi cũng chỉ đạo nghiên cứu vắc xin sởi để tiêm sớm hơn vì bình thường trẻ 9 tháng mới tiêm, nhưng nay có nhiều trẻ mới 6 - 9 tháng đã mắc, nên sẽ đẩy tiêm sớm hơn (hiện nay trẻ 9 tháng tuổi sẽ tiêm phòng sởi)- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, việc thay đổi cơ cấu bộ máy phòng, chống dịch tại các địa phương thông qua thành lập Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) cần quyết liệt hơn nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về phòng, chống dịch.
Về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, thông tin tại Hội nghị, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, sốt xuất huyết liên tục gia tăng về phạm vi và số lượng người mắc bệnh qua từng năm tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó khu vực Đông Nam Á chịu ảnh hưởng nặng nề. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá đây là một trong những bệnh do véc tơ truyền quan trọng nhất và là vấn đề y tế công cộng nan giải trên toàn cầu.
Hiện bệnh lưu hành tại 128 quốc gia, hơn 3,9 tỷ người sống trong vùng nguy cơ bị mắc bệnh, hàng năm có khoảng 390 triệu người nhiễm bệnh. Năm 2017, số mắc/100.000 dân tại nhiều nước khu vực châu Mỹ và Đông Nam Á ở mức rất cao: Peru (195), Nicaragua (199), Argentina (121), Brazil (171), Ecuador (49), Malaysia (141), Philippines (33), Lào (30), Singapore (20).
Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết đã giảm trong những năm gần đây, có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực, tuy vậy hàng năm ghi nhận trung bình 50.000 - 100.000 trường hợp mắc, 50 - 100 trường hợp tử vong.
Tích lũy từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận 10.557 trường hợp mắc, không có tử vong. So với cùng kỳ 2017, số mắc cả nước giảm 36%. Số mắc có xu hướng giảm trong các tuần gần đây và giảm so với tuần cùng kỳ năm 2017. Không có tỉnh nào ghi nhận số mắc gia tăng đột biến trong các tuần đầu năm 2018.
Cục Y tế dự phòng dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống do: Tình hình sốt xuất huyết tại nhiều nước trong khu vực vẫn duy trì ở mức cao. Di biến động dân cư, giao lưu đi lại giữa các vùng miền làm gia tăng nguy cơ lan rộng và khó quản lý, kiểm soát nguồn truyền bệnh. Đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, công ty, nhà máy, nhà trọ, lán trại và khu tập thể cũ không được quan tâm xử lý,... tạo nhiều ổ nước đọng sau mưa, phát sinh các ổ bọ gậy khó xử lý.
Bên cạnh đó, thời gian tới, với khí hậu mùa hè, nhiệt độ trung bình cao là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền phát triển mạnh. Trong khi đó, tập quán tích trữ nước của người dân chưa thay đổi đáng kể so với trước đây. Điều kiện vệ sinh, môi trường phức tạp bất lợi, tăng số lượng và chủng loại các dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản muỗi truyền bệnh. Sự phối hợp của người dân với cán bộ y tế chưa cao trong công tác loại bỏ các ổ lăng quăng/bọ gậy, phun diệt muỗi xử lý ổ dịch. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng chưa được sử dụng nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Để tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị cần tập trung triển khai một số giải pháp như nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các bộ, ban, ngành, đoàn thể. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng và thực hành các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch bệnh.
Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả. Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường. Sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong.
Tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị. Đồng thời đảm bảo hậu cần cho công tác phòng, chống dịch.
Hồng Thiết