TĐKT – Sáng 19/3, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) tổ chức khai mạc Hội thảo huấn luyện dành cho các dự báo viên thuộc Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm (SWFDP) và Hội thảo huấn luyện “Phục vụ thời tiết cộng đồng” dành cho các nước tham gia Dự án.
Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 19/3 – 30/3, với nội dung xoay quanh các vấn đề: Tìm hiểu về hệ thống truyền, phát bản tin, cơ chế phối hợp giữa cơ quan khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia với cơ quan truyền thông và quản lý rủi ro do thiên tai cũng như các lĩnh vực liên quan tại các nước tham gia Dự án; huấn luyện về công tác dự báo, cảnh báo dựa vào tác động; phục vụ thời tiết cộng đồng hiệu quả; giao tiếp và kỹ năng làm việc với truyền thông; giáo dục, tuyên truyền và đánh giá phản hồi của cộng đồng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: Việt Nam tham gia Dự án Trình diễn dự báo thời tiết nguy hiểm cho khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Khí tượng thế giới từ năm 2010 và được chọn làm Trung tâm Hỗ trợ dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới (RFSC-Hà Nội).
Ngoài việc chia sẻ các sản phẩm mô hình số trị toàn cầu, khu vực, các sản phẩm vệ tinh đã cung cấp hàng ngày hai loại bản tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm liên quan đến gió mạnh và mưa lớn ảnh hưởng đến các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Philipin và gần đây cả Myanmar từ hạn ngắn (1-2 ngày) đến hạn vừa (3-5 ngày).
Các bản tin cảnh báo của RFSC-Hà Nội được các dự báo viên của các nước thành viên tham khảo hàng ngày và phần nào đó giúp tăng cường thêm các thông tin dự báo nghiệp vụ chính thức của các nước này.
Ông Trần Hồng Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu khai mạc Hội thảo
Việc WMO tổ chức hằng năm các khóa học đào tạo về các phương pháp dự báo thời tiết nguy hiểm từ hạn cực ngắn bằng các số liệu vệ tinh, radar đến hạn 1-5 ngày thông qua các sản phẩm mô hình số, sản phẩm dự báo tổ hợp sẽ cho phép tăng cường năng lực dự báo của các nước trong thành viên dự án.
Phía Việt Nam, cụ thể là Tổng cục KTTV sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường năng lực của chính bản thân trong những năm tiếp theo, với việc đầu tư các hệ thống tính toán mới, nâng cấp các đường truyền tốc độ cao thu nhận số liệu quan trắc, vệ tinh. Ngoài việc cho phép thực hiện chia sẻ các sản phẩm mô hình phân giải cao trên toàn khu vực Đông Nam Á, các bản tin cảnh báo chính thức của RFSC-Hà Nội cũng sẽ được tăng cường, kết hợp với các khóa đào tạo trao đổi giữa các nước thành viên. Qua đó, chắc chắn chất lượng các bản tin cảnh báo ngắn hạn và dài hạn sẽ được nâng lên, gián tiếp tăng cường chất lượng cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các nước thành viên trong dự án.
Tại Hội thảo, đại diện của WMO tin rằng các nước tham gia SWFDP ở Đông Nam Á đang được hưởng lợi rất lớn từ các sản phẩm huấn luyện dự báo thời tiết số (NWP) toàn cầu, các sản phẩm hướng dẫn và thông tin vệ tinh được cung cấp thông qua SWFDP. Tuy nhiên, cần phải làm nhiều hơn nữa để duy trì hoạt động và phát triển sự phối hợp với các dự án và sáng kiến có liên quan bao gồm Hệ thống cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS), nhằm hỗ trợ hoạt động cho hệ thống cảnh báo sớm đa rủi ro và tăng cường các dịch vụ này ở Đông Nam Á.
Phương Thanh