TĐKT - Phố phường Hà Nội luôn náo nhiệt. Những mảng vỉa hè bé xíu cũng là nơi bon chen đến ngột ngạt. Ở nơi người ta luôn phải giành giật để mưu sinh này, câu chuyện về quán bún 1.000 đồng của bà Vũ Thị Kiều Oanh trên phố Ô Chợ Dừa như một ngọn gió mát lành của tình người. Mỗi tháng một lần, bà Oanh dành 150 bát bún bò với giá rẻ như cho để chia sẻ với những mảnh đời khó khăn, cực nhọc.
Cứ vào sáng thứ sáu đầu tiên hằng tháng, 150 suất bún với giá 1000 đồng/bát được chủ quán bún bò Huế O Chanh (số 30, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) đem đến cho những có thu nhập thấp. Với những người bình thường, một bán bún trị giá vài chục nghìn chẳng đáng là bao. Nhưng với những phận đời cơ nhỡ, những bệnh nhân điều trị dài ngày, những người lao động phổ thông... thì đó là một sự xa xỉ, thậm chí với không ít người, đó còn là niềm mơ ước. Thí dụ như trường hợp của mẹ con bà Loan, một người chuyên đi thu gom phế liệu.
Hoàn cảnh của bà Loan hết sức éo le. Bà có một người con trai bị bệnh thần kinh. Giờ đã 30 tuổi nhưng vẫn cần người trông nom. Không ai trông giúp nên bà phải "đèo bòng" cho anh theo cùng khi đi nhặt phế liệu. Thu nhập bình quân mỗi ngày của hai mẹ con bà Loan thường từ 15 đến 20 nghìn đồng. Hôm nào may mắn mới được 30 nghìn đồng.
Với thu nhập như vậy, bữa sáng là một chiếc bánh mì hay một gói xôi cũng đã là rất "sang". Nhiều hôm bà Loan nhịn đói, để tiết kiệm, chỉ nấu đồ ăn cho cậu con trai. Bởi thế, dù sống ở Thủ đô, những cửa hàng quà bánh là cái gì xa lạ lắm với người như bà Loan. Và lần đầu tiên được thưởng thức bát bún bò Huế từ cửa hàng O Chanh khiến bà không thể giấu nổi xúc động.
Bà Vũ Thị Kiều Oanh, chủ quán bún bò O chanh
Bà Đặng Thị Hoa ở An Trạch, Hào Nam tâm sự: " Tôi được người ta mách rồi ra ăn. Hôm tôi đến khách hàng rất đông, chủ yếu là những người có thu nhập thấp, đi bán ve chai, bán hàng, thu gom phế liệu... Tôi cũng cám ơn vì quán đã nghĩ và hỗ trợ cho những người như chúng tôi".
Người có "tấm lòng vàng" giúp đỡ người có hoàn cảnh đó là bà Vũ Thị Kiều Oanh. Lý do làm từ thiện với bà rất giản dị. Vốn lâu nay bà và gia đình vẫn thường hay giúp đỡ người nghèo. Những người lao động như bán ve chai, đồng nát, gánh hàng rong, hay những lao công... hầu hết họ là những người có thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn, nhiều người là lao động chính trong gia đình, công việc vất vả, nhưng bữa ăn của họ rất qua loa, tằn tiện. Với nghề bán bún sẵn trong tay, bà Kiều Oanh đã bàn bạc với hai người con trai tặng cho những người nghèo món quà là sản phẩm từ chính cửa hàng mình.
Nhưng làm thế nào để người nghèo đến ăn bún mà không bị mặc cảm là "đi xin"? Chính bởi thế, bà đã lấy giá 1000 đồng/bát bún mang ý nghĩa tượng trưng; trong khi giá thực tế của một bán bún như vậy là 35 nghìn đồng. Ban đầu, nhiều người không biết về việc làm của bà Oanh, nên có những hôm bún suýt... ế. Bà Oanh phải cùng người nhà đứng ra tận cửa mời khách vào. Có người được mời vẫn không tin, sợ bị... lừa, vì thời buổi này làm gì có người tốt thế. Phải một thời gian sau, người ta mới tin và ngày càng nhiều người đến với quán bún 1000 đồng hơn.
Bà Phan Thanh Hằng, một người dân ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa cho biết: "Thứ 6 hằng tuần, cửa hàng đông khách lắm, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, chủ yếu là người buôn bán hàng rong, ve chai, bán báo, đánh giầy, đồng nát... Tôi thấy chương trình này rất thiết thực và mong rằng có nhiều mô hình như vậy để giúp đỡ những người khó khăn, có thu nhập thấp".
Bát bún 1000 đồng đã làm ấm lòng những hoàn cảnh khó khăn giữa Thủ đô
Số tiền bỏ ra mỗi tháng để tổ chức chương trình "bát bún 1000 đồng" không phải quá lớn, nhưng cũng không nhỏ. Song, vấn đề là ở cách làm. Cách làm của bà chủ Vũ Thị Kiều Oanh khiến những người nghèo có cảm giác được sẻ chia, được quan tâm. Hành động tương thân, tương ái, giàu ý nghĩa nhân văn này cần được nhân rộng.
Hưng Vũ