TĐKT - Chiều 16/1, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Xây dựng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, phát biểu chỉ đạo.
Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành Xây dựng
Năm 2017, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch hành động nhằm nỗ lực phấn đấu cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Hoạt động xây dựng duy trì tăng trưởng khá cao, tăng 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành đóng góp điểm phần trăm vào mức tăng GDP cả nước. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37,5%, tăng 0,9% so với năm 2016. Hiện cả nước có 813 đô thị, tăng 11 đô thị so với năm 2016.
Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 77% (tăng 2% so với năm 2016), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 38% (tăng 3% so với năm 2016); quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 99,4% (tăng 0,4% so với năm 2016).
Một số chỉ tiêu khác như tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 84,5% tăng 1,0% so với 2016; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85,5%, tăng 0,5% so với 2016; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm còn khoảng 23% giảm 0,5% so với 2016.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nay diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với 2016. Tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 81 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2016, đạt 100% kế hoạch năm.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện công cụ quản lý nhà nước luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Bộ tập trung chỉ đạo thực hiện. Tiêu biểu là việc bảo đảm tiến độ xây dựng 2 dự án Luật: Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc, dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2018 và 2019; chủ động rà soát, hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và đã được Chính phủ thông qua để đưa vào Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh 2018… Trong năm 2017, Bộ đã sửa đổi, bổ sung 1.924 định mức kinh tế - kỹ thuật, ban hành suất đầu tư năm 2016; công bố 28 tiêu chuẩn và thẩm định 60 tiêu chuẩn xây dựng.
Cùng với đó, quy trình, thủ tục, thời gian thực hiện cấp phép xây dựng đã được đơn giản và rút ngắn. Chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng của các chủ thể được nâng lên rõ rệt, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được quan tâm đặc biệt, có chuyển biến mạnh mẽ.
Bước vào năm 2018, Bộ Xây dựng đã đề ra 11 nhiệm vụ nhằm nỗ lực thực hiện hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ được giao: Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế. Xây dựng hệ thống công cụ quản lý, đặc biệt là các công cụ để kiểm soát có hiệu quả các hoạt động xây dựng, quy hoạch phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, thị trường bất động sản, nhà ở và nhà ở xã hội, vật liệu xây dựng theo quy hoạch, kế hoạch. Tập trung hướng dẫn, triển khai có hiệu quả các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực của ngành mới được ban hành và tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện. Nắm chắc tình hình, chủ động phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn. Tập trung thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và chúc mừng những kết quả đáng khích lệ ngành xây dựng đã đạt được trong năm qua. Đồng thời, nhấn mạnh trong năm tới, ngành xây dựng cần rà soát lại xem nhiệm vụ nào chưa thực hiện được, tiếp tục tạo chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa trong cơ cấu ngành xây dựng. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành xây dựng là 9,2%. Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng được hầu hết các công trình thiết yếu đạt chất lượng, thẩm mỹ, có giá cả cạnh tranh. Hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng.
Bộ Xây dựng cần quan tâm chỉ đạo tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại hơn nữa để nâng cao hiệu quả cuộc cách mạng 4.0.
Trong quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng cần có bài toán để xử lý vấn đề tro xỉ thải trong các nhà máy nhiệt điện; có lộ trình dừng việc sử dụng amiang trắng; cổ phần hóa không để thất thoát vốn nhà nước.
Bộ Xây dựng cần tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng thể chế, khẩn trương hoàn thiện để ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị; hoàn thành Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam; cần có tư duy mới về xây dựng để phát triển lâu dài; kiểm soát tốt hơn nữa tiến trình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, xây dựng đô thị gắn với phát triển hạ tầng xã hội.
Bộ Xây dựng cùng các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn để đầu tư theo quy hoạch, khắc phục tình trạng quy hoạch treo; sớm trình đề án xây dựng trụ sở làm việc các Bộ, ngành, trung ương. Các bộ, ngành đã có trụ sở mới, cần phải trả lại trụ sở cũ. Các chính sách của Bộ Xây dựng cần hướng đến mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho địa phương, các tỉnh, thành phố, tăng cường kiểm tra, giám sát trật tự đô thị, quan tâm thiết kế đô thị để quản lý có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Bộ cần đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm; quan tâm kiểm soát thị trường bất động sản; tiếp tục phát triển nhà ở xã hội; phấn đấu xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài.
Toàn ngành phải coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành xây dựng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, chống nhũng nhiễu trong toàn ngành; tạo ra môi trường thông thoáng cho mọi thành phần kinh tế, sát với doanh nghiệp, địa phương…
Phương Thanh