TĐKT – Xưa nay nhiều người vẫn cho rằng không thể thoát nghèo từ những thửa ruộng 2 vụ lúa/năm. Những năm qua, gia đình anh Lò Văn Nam, thôn đội trưởng Bản Lọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái đã khiến nhiều người dân dần thay đổi suy nghĩ đó khi là người đầu tiên mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng trên diện tích 3.000m2 đất trồng lúa sang trồng các loại rau màu đem lại thu nhập cao từ 70 – 90 triệu đồng/năm.
Anh Lò Văn Nam chăm sóc vườn rau súp lơ để kịp thu hoạch trong dịp Tết Dương lịch
Với quyết tâm bám đất thoát nghèo, bằng suy nghĩ làm ăn bền vững dựa vào thế mạnh của quê hương, anh Lò Văn Nam đã vươn lên làm giàu bằng việc sản xuất rau an toàn để cung ứng cho thị trường. Mô hình của gia đình anh hiện tại không chỉ góp phần ổn định kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình mà đây còn là mô hình làm ăn tiêu biểu để nhiều nông dân học hỏi, làm theo.
Những năm trước, gia đình anh Nam là một trong nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Mọi chi tiêu, sinh hoạt trong gia đình anh chỉ biết trông chờ vào thu nhập bấp bênh từ việc sản xuất lúa 2 vụ/năm và đi làm thuê thời vụ.
Không chấp nhận số phận, với suy nghĩ thoát nghèo và làm giàu từ đồng đất quê hương, năm 2013, gia đình anh Nam đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng trên diện tích 2.000m2 đất trồng lúa để sản xuất rau an toàn. Thời gian đầu, nhiều luống rau của gia đình anh bị hư hỏng, thu nhập thấp do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất. Về sau, được sự hỗ trợ của các cấp tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cộng với việc chăm chỉ, tìm tòi học hỏi qua sách báo, việc sản xuất rau an toàn của gia đình anh đã có nhiều khởi sắc, được thị trường đánh giá cao về chất lượng.
Hiện nay, gia đình anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất trên toàn bộ diện tích đất trồng lúa 3.000m2 mà gia đình có. Các giống rau đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao được gia đình anh tập trung sản xuất: Rau xà lách, súp lơ, bắp cải, cải ngồng, rau húng chó…đều đang trong gia đoạn sinh trưởng, phát triển tốt và sắp cho thu hoạch.
Anh Nam cho biết: “Tất cả các sản phẩm của gia đình làm ra đến đâu đều được tiêu thụ ngay đến đó, các sản phẩm rau, củ được bán đổ cho các thương lái và nhà hàng trên địa bàn thị xã, có những thời điểm không có đủ sản phẩm để cung ứng cho thị trường”.
Sự thành công của mô hình trồng rau an toàn đã giúp gia đình anh Nam vươn lên trở thành hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, có thu nhập ổn định ở địa phương. Theo ước tính của anh, mỗi năm trồng luân phiên 4 - 5 vụ rau cùng với việc trồng các loại rau thơm, rau gia vị ngắn ngày cho thu hoạch quanh năm như húng chó, ngải cứu… để cung ứng ra thị trường, gia đình thu lợi nhuận được từ 70 - 90 triệu đồng/năm, cao hơn rất nhiều lần so với việc trồng lúa.
Để tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng mô hình, vụ đông năm 2017, gia đình anh đã cải tạo đất bị ảnh hưởng của đợt lũ hồi đầu tháng 10 vừa qua để đầu tư đưa vào sản xuất trồng giống khoai tây Hà Lan năng suất cao trên diện tích 1.000m2. Anh Nam cho biết: Đây là giống khoai nhập khẩu từ Hà Lan cho năng suất cao, củ to, dài, thời gian sinh trưởng từ 80 - 95 ngày, có khả năng chịu thâm canh và chịu lạnh tốt.
Anh Nam chia sẻ: “Để sản xuất rau đạt hiệu quả, gia đình anh luôn chú trọng từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch. Tất cả đều được gia đình tôi thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước, chất dinh dưỡng cho rau sinh trưởng và phát triển. Đặc biệt là gia đình tôi luôn trú trọng đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng nên toàn bộ phân bón cho rau đều được sử dụng từ nguồn phân hữu cơ được ủ hoai mục bằng chế phẩm nấm vi sinh. Công tác phòng, chống sâu bệnh được thực hiện bằng cách thường xuyên thăm vườn. Tôi chủ động phòng, chống và diệt sâu bọ bằng phương pháp sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc từ thiên nhiên nên luôn đảm bảo được chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nên được thị trường đón nhận”.
Bên cạnh mô hình trồng rau an toàn, gia đình anh cũng tận dụng nguồn thức ăn rau xanh có sẵn từ trang trại rau để chăn nuôi lợn và cá thương phẩm. Hiện nay, gia đình anh đang nuôi gần 20 con lợn và thả các loại cá chất lượng cao như trắm, chép trên diện tích mặt ao gần 500m2. Nhờ đó, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập từ 30 – 60 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, thả cá.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh còn được tín nhiệm giữ chức vụ Thôn đội trưởng tổ bản Lọng, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Không phụ lòng mong mỏi của người dân, anh luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, luôn gương mẫu đi đầu hoàn thành mọi công tác, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó anh luôn tích hướng dẫn các hộ trong thôn, xóm về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt, nhất là quy trình sản xuất rau an toàn để cùng nhau vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Như vậy có thể thấy rằng, nếu biết cách phát huy những thế mạnh sẵn có của địa phương, cùng tinh thần học hỏi, dám nghĩ dám làm và khát khao vươn lên làm giàu chính đáng thì không gì là không thể. Hộ gia đình anh Lò Văn Nam là một điển hình tiêu biểu trong việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chính đồng đất quê hương.
Thùy Hương - Minh Thiền