Thực trạng quản lý đô thị và nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam
25/12/2017 - 15:27

TĐKT- Ngày 22/12 tại Hà Nội, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo "Thực trạng quản lý đô thị và nhu cầu nguồn nhân lực liên ngành trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam".


GS.TS Nguyễn Tố Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, phát biểu tại hội thảo

Tại Hội thảo, GS Nguyễn Tố Lăng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết, đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với hơn 800 đô thị và mức độ đô thị hóa đã hơn 36%. Dự báo đến năm 2025 sẽ có 1.000 đô thị với mức độ đô thị hóa 50%. Để có được các đô thị phát triển mạnh mẽ và bền vững, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng bậc nhất, nhất là về ngành quản lý đô thị.

Theo kết quả khảo sát của khoa các khoa học liên ngành Đại học Quốc gia Hà Nội, 88% ý kiến từ những nhà tuyển dụng (các viện nghiên cứu, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và sở xây dựng các tỉnh, các công ty thuộc lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch…) cho rằng nhu cầu tuyển dụng nhân sự đối với ngành nghề quản lý và phát triển đô thị hiện nay đang cấp thiết.

Đặc biệt, có đến gần 2/3 các cơ quan này có kế hoạch tuyển dụng nhân sự hoặc đưa cán bộ đi học chương trình thạc sĩ ngành quản lý phát triển đô thị trong 5 năm tới. Đặc biệt, nhu cầu nhân lực ngành quản lý đô thị càng nóng hơn khi Chính phủ đang thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý đô thị cho tất cả các cán bộ, công chức liên quan từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đến công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã thuộc thành phố, thị xã trong toàn quốc.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư - Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, dẫn lại nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước: Việt Nam sẽ chỉ có một cơ hội lớn để đô thị hóa một cách đúng đắn, bởi nếu thất bại trong đô thị hóa, Việt Nam sẽ thất bại trong công nghiệp hóa và hiện đại hóa.

Theo đó, chỉ có ở Việt Nam, đô thị hóa lại xảy ra nhiều thập kỷ trước công nghiệp hóa (trong khi các nước phát triển đã khẳng định quy luật đô thị hóa là hệ quả, là con đẻ của công nghiệp hóa). Càng làm cho vấn đề đô thị hoá buộc phải trở thành “phao cứu sinh” của nền kinh tế. Nghịch lý này làm cho đô thị luôn đối đầu với vấn nạn kẹt xe, tắc đường, ô nhiễm, thiếu nước sạch, thực phẩm bẩn, mất an ninh và trật tự công cộng... Bài toán đô thị hoá ở Việt Nam càng thêm khó khăn, đòi hỏi nguồn nhân lực thực sự giỏi, thông minh hơn để bứt phá.

Tại các trường đại học lớn trên thế giới, đô thị học là một khoa học mang tính liên ngành, do xuất phát từ đặc điều của đô thị là đa chiều, đa dạng, đa mục tiêu.

Tại Việt Nam, nguồn nhân lực liên quan tới quản lý và quy hoạch đô thị hầu như đều có cách tiếp cận vấn đề theo tư duy đơn ngành, cục bộ, khó phối kết hợp trong định hướng phát triển, tổ chức không gian hoạt động, xây dựng và quản lý đô thị, thiếu tính tổng thể bao quát, làm hạn chế sức sáng tạo và liên kết ngày càng đòi hỏi cao hơn trong thực tiễn.

Hồng Thiết