TĐKT - Ngày 14/12, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bổ sung vi chất vào thực phẩm”. Đến dự, có TS khoa học Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Yoshimi Nishino, quyền Phó Đại diện Văn phòng UNICEF tại Việt Nam. Cùng dự, có 70 đại biểu cấp cao đến từ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ...
Hội thảo “Tăng cường thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP về bổ sung vi chất vào thực phẩm”
Từ tình hình thực tiễn thiếu hụt i-ốt tại Việt Nam, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/9/2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm (Nghị định số 09). Nghị định này được ban hành với mục tiêu phòng ngừa thiếu hụt i-ốt trong cộng đồng, bảo vệ sức khoẻ người dân, bảo đảm phòng, chống các rối loạn thiếu i-ốt.
Được biết, Nghị định 09/2016/NĐ-CP đã có quy định về lộ trình (1 năm) để các doanh nghiệp thực hiện các quy định về việc bổ sung i-ốt vào muối ăn và muối dùng để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, tháng 7/2017, kết quả cuộc khảo sát do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tại một số cơ sở sản xuất muối và nước mắm cho thấy, chỉ có các doanh nghiệp sản xuất muối là tuân thủ các quy định của Nghị định, không một cơ sở nước mắm nào dùng muối đã bổ sung i-ốt để sản xuất nước mắm.
Lý do mà các doanh nghiệp đưa ra là vì muối dùng ướp cá để lên men là loại muối được lưu trữ trên 1 năm để loại bỏ các tạp chất: Mg2+, Ca2+, SO42-, CL-. Nếu dùng muối i-ốt để 1 năm thì lượng i-ốt sẽ không còn trong muối. Các doanh nghiệp lo ngại khi sử dụng muối i-ốt để chế biến nước mắm sẽ làm thay đổi màu, mùi vị của sản phẩm và chưa có bằng chứng thử nghiệm dùng muối i-ốt để chế biến nước mắm trong nước để các doanh nghiệp tin tưởng.
Hiện tại, đại diện các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn có khiếu nại lên Chính phủ và Bộ Y tế về việc khó thực thi Nghị định 09 vì những quan ngại đối với các thay đổi về chất lượng hay màu sắc của thành phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi Nghị định có hiệu lực (15/3/2016) và quy định về lộ trình bổ sung i-ốt có hiệu lực chưa có doanh nghiệp nào cung cấp bằng chứng cụ thể cho thấy việc sử dụng muối i - ốt trong chế biến thực phảm làm biến tính sản phẩm như họ vẫn khiếu nại.
Nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy chỉ có 6% người dân sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày (chủ yếu miền núi), phần lớn người dân sử dụng bột canh, hạt nêm, nước mắm và các gia vị mặn khác. Vì vậy, nếu chỉ có muối ăn được trộn i-ốt, lượng i-ốt sẽ không đủ để phòng, chống tình trạng thiếu hụt i-ốt và tình trạng thiếu i-ốt hiện nay sẽ không khắc phục được.
Trước tình hình này, VUSTA tổ chức hội thảo với mục đích nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của i-ốt và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi Nghị định 09/2016/NĐ-CP và công tác phòng, chống rối loạn i-ốt. Đồng thời, nâng cao nhận thức của công chúng về Nghị định 09, tầm quan trọng của phòng, chống các rối loạn do thiếu i-ốt, với vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong thực thi Nghị định 09.
Hội thảo đã có nhiều ý kiến và tham luận liên quan đến thiếu hụt i-ốt và hậu quả; quá trình hình thành Nghị định 09/2016/NĐ-CP; tình hình thực hiện và khó khăn gặp phải trong triển khai Nghị định 09/2016/NĐ-CP tại các doanh nghiệp sản xuất muối và nước mắm; kết quả nghiên cứu tình trạng thiếu vi chất ở phụ nữ mang thai...
Đặc biệt kiến nghị của các chuyên gia về vấn đề sử dụng muối bổ sung i-ốt để chế biến thực phẩm sẽ được VUSTA gửi lên Chính phủ và các cơ quan quản lý liên quan.
Hồng Thiết