TĐKT - Sáng 14/12, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Hiệp hội Năng lượng, Hiệp hội Tiết kiệm năng lượng Việt Nam tổ chức “Hội thảo kinh tế năng lượng và triển vọng” với sự tham dự của 300 đại biểu. PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế chủ trì Hội thảo.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhằm triển khai công tác nghiên cứu và tuyên truyền thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1855/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ và đưa ra đánh giá dựa trên góc nhìn thực tế về tầm ảnh hưởng của việc khai thác và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề: Phát triển kinh tế, xã hội dựa trên nghiên cứu, phát triển sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường nguồn năng lượng tái tạo cho tương lai bền vững, giải pháp tiết kiệm năng lượng tiên tiến. Mong muốn bảo đảm an toàn, an ninh theo tiêu chuẩn quốc tế cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt trong phát triển năng lượng tái tạo, từ đó có chính sách bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế năng lượng từ đó huy động tốt hơn các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển năng lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh hướng tới nền kinh tế phát triển bền vững.
Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ quốc gia xuất khẩu tinh sang nhập khẩu tinh về năng lượng. Đối với các quốc gia, việc phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu sẽ mang lại rủi ro trong việc cung cấp năng lượng, khi nguồn cung giảm hoặc khi giá năng lượng tăng đột biến, việc bảo đảm an ninh năng lượng sẽ khó kiểm soát.
Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ năng lượng tái tạo (NLTT) trong tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp năm 2015 khoảng 31,8%; khoảng 32,3% vào năm 2030 và tăng lên, đạt khoảng 44,0% vào năm 2050. Năng lượng nhập khẩu năm 2015 khoảng 2,7 triệu TOE, chiếm 3,5% tổng nhu cầu năng lượng sơ cấp; năm 2030 nhập khẩu 47 triệu TOE, chiếm 24,3%; năm 2050 nhập khẩu 22,1 triệu TOE, chiếm 7,1%.
Các chuyên gia phân tích: Nếu không phát triển nhanh nguồn NLTT (không kể nguồn thủy điện), năng lượng nhập khẩu sẽ tăng lên rất cao: Năm 2030 nhập khẩu 78,7 triệu TOE, chiếm 41,1%; năm 2050 nhập khẩu 129 triệu TOE, chiếm 41,2%.
Năng lượng tái tạo là một nguồn năng lượng bền vững, không thải ra các chất ô nhiễm gây thiệt hại cho môi trường và có thể được khai thác mà không gây tổn hại đến các hệ sinh thái.
Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển NLTT. Bộ Công thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió một số địa phương. Theo đó, dự kiến đến năm 2030: Cà Mau có thể phát triển 3.607 MW; Bình Thuận – 2.500 MW; Ninh Thuận – 1.409 MW; Trà Vinh – 1.608 MW; Sóc Trăng – 1.470 MW.
Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn năng lượng mặt trời sử dụng hầu như quanh năm. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình ngày trong năm của cả nước khoảng 4,6 kWh/m2 /ngày (ở mức tốt so với mức bình quân chung của toàn thế giới).
Tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam hiện nay khoảng 60 triệu TOE. Trong đó, năng lượng từ nguồn gỗ củi của Việt Nam khoảng 32 triệu tấn, tương đương 11,6 triệu TOE. Sản lượng khí sinh học có thể thu hồi từ chăn nuôi khoảng 11,3 tỷ m3/năm. Khả năng thu hồi năng lượng từ rác thải hữu cơ khoảng 0,82 triệu TOE...
Nếu có thể tận dụng triệt để nguồn NLTT này, nền kinh tế năng lượng Việt Nam sẽ tiến xa hơn nữa trong tương lai.
Phương Thanh