TĐKT - Cùng với việc kiểm soát tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên, giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh Long An còn thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Từ đó, giúp giới trẻ có nhận thức đầy đủ về giới tính, sức khỏe sinh sản (SKSS) lứa tuổi và hướng đến lối sống lành mạnh.
SKSS vị thành niên (SKSSVTN) là một vấn đề hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, nếu không được cung cấp kiến thức đầy đủ sẽ dễ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học hành và có khả năng ảnh hưởng đến tương lai sự nghiệp của các em, đến chất lượng dân số của toàn xã hội.
Bởi vậy, tuyên tuyền chăm sóc SKSSVTN trong trường học là một hoạt động có ý nghĩa, giúp cho các em học sinh có sự hiểu biết và nhận thức rõ ràng hơn về SKSS. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này các em đang có nhu cầu tìm hiểu kiến thức tâm, sinh lý rất lớn, việc phổ biến kiến thức về chăm sóc SKSS giúp cho các em có một cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần.
Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản giúp trẻ tự bảo vệ mình
Địa phương làm tốt công tác này là huyện Cần Đước. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Giám đốc Trung tâm DS/KHHGĐ huyện Cần Đước cho biết: Ngành dân số huyện đã phối hợp Ban Giám hiệu các trường học tổ chức 12 cuộc nói chuyện chuyên đề cho 5.408 học sinh các khối. Sinh hoạt đội đồng đẳng 25 buổi với 1.421 học sinh dự.
Đồng thời, ngành cũng phối hợp tổ chức 47 cuộc nói chuyện chuyên đề ngoài cộng đồng, có 2.143 người dự; viết 83 tin, bài, phát thanh 189 lần với 946 phút. Lực lượng cộng tác viên Dân số - Gia đình và Trẻ em tổ chức tư vấn tận nhà cho 3.521 lượt hộ gia đình. Ngoài ra, còn tư vấn về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên trong và ngoài nhà trường qua số điện thoại di động và cơ quan.
Tại TP Tân An, hoạt động này cũng diễn ra hiệu quả. Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm DS/KHHGĐ huyện đã phối hợp các trường tổ chức nói chuyện chuyên đề dưới các hình thức: Hỏi đáp, trò chơi tìm hiểu về SKSS vị thành niên/thanh niên trong các buổi sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; hoạt động ngoại khóa; phát tài liệu; tổ chức câu lạc bộ về tình bạn, tình yêu và giới tính... Từ tháng 8 đến 11/2017, trung tâm phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện và trường THPT tổ chức Hội thi vẽ tranh trên mạng với chủ đề “Yêu an toàn, vạn điều hay” nhằm tuyên truyền các biện pháp tránh thai an toàn.
Các hoạt động trên góp phần giúp các em có được những nhận thức đúng đắn trong chăm sóc SKSS. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt, vui chơi lành mạnh, phù hợp lứa tuổi còn giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học. Ngành dân số tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền ngoài cộng đồng. Ngành đã triển khai hiệu quả các mô hình như: “Cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho vị thành niên - thanh niên” , “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”, “Tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân”.
Đây là một trong những giải pháp tích cực của ngành dân số nhằm góp phần thực hiện bình đẳng giới; ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái cũng như hiểu biết của vị thành niên - thanh niên; tạo mối quan hệ nhà trường - gia đình - cộng đồng trong giáo dục giới tính học sinh các trường THCS… Các hoạt động của mô hình cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác DS/KHHGĐ.
Tiêu biểu có huyện Thạnh Hóa, công tác này được triển khai trong toàn huyện. Mỗi xã trên địa bàn huyện thành lập 3 nhóm, mỗi nhóm có 17- 30 vị thành niên, thanh niên được phổ biến chuyên đề về CSSKSS.
Bên cạnh việc cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS, Chi cục Dân số-KHHGĐ phối hợp với Trung tâm Chăm sóc SKSS/KHHGĐ tỉnh tổ chức cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên; cung ứng các biện pháp tránh thai phù hợp khi vị thành niên, thanh niên có nhu cầu, giúp giảm tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong lứa tuổi thanh, thiếu niên.
Hoạt động khám sức khoẻ cho thanh, thiếu niên trong và ngoài nhà trường được thực hiện hàng năm tại trạm y tế xã, nhằm phát hiện những bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến đường sinh sản để tư vấn cho phụ huynh có biện pháp chăm sóc, điều trị kịp thời cho con em mình. Đồng thời, các em còn được tư vấn để tự bảo vệ sức khoẻ của mình.
Thực tế cho thấy, mặc dù có sự vào cuộc của ngành chức năng và các tổ chức xã hội liên quan nhưng việc cung cấp kiến thức về CSSKSS cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Để khắc phục tình trạng trên, rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhà trường và đặc biệt là các bậc phụ huynh để việc giáo dục giới tính, SKSS được triển khai một cách hiệu quả, kịp thời, nhằm trang bị cho các em những kỹ năng đầu đời và khả năng xử lý tình huống cho trẻ, giúp trẻ trưởng thành lành mạnh và hướng tới một tươi lai tươi sáng.
Hà Anh