TĐKT - Ngày 7/12, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) tổ chức Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 25/11/2009, có hiệu lực thi thành kể từ ngày 1/7/2010 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục.
Quang cảnh Hội thảo
Trình bày đề dẫn tại Hội nghị, Tiến sĩ Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký kiêm Chánh văn phòng LHHVN đề nghị cần làm rõ các vấn đề: Đánh giá lại Luật Giáo dục hiện hành được thực hiện thế nào? Xác định rõ mục tiêu sửa đổi cụ thể của Luật giáo dục mới là gì? Đưa ra quan điểm của Bộ về chủ trương, mục đích sửa đổi Luật lần này như thế nào?
Tại hội thảo các ý kiến đề cập đến mục tiêu giáo dục là đào tạo con người mới toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân. Việc sửa đổi Luật Giáo dục là phù hợp với Hiến pháp, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Sửa đổi Luật Giáo dục phù hợp, thống nhất với các Luật chuyên ngành, Luật Giáo dục đại học; Luật Giáo dục nghề nghiệp, phù hợp, đồng bộ với các Luật có liên quan, phù hợp với thực tiễn thi hành Luật Giáo dục về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia, sách giáo khoa, thời gian đào tạo các cấp học..., tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.
Nghị quyết số 29/NQ-TW của Hội nghị 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế ban hành đã gần 4 năm nhưng nhiều nội dung của nghị quyết vẫn chưa đi vào cuộc sống do vướng khá nhiều quy định đã không còn phù hợp ở các luật về giáo dục.
Những vướng mắc này chủ yếu rơi vào ba cụm vấn đề: Hệ thống giáo dục quốc dân; quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục, đặc biệt đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.
Có thể thấy, Luật Giáo dục hiện hành bộc lộ quá nhiều khiếm khuyết mà nếu không được sửa kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn tới tương lai gần của giáo dục Việt Nam, tới cơ cấu nguồn nhân lực của Việt Nam, đi ngược lại một loạt định hướng quan trọng của Nghị quyết 29: Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng giáo dục mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2020 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương. Định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Thực hiện phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng - thực hành. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.
Tiến sĩ Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam khẳng định: Trên cơ sở ý kiến của Bộ, Hội nghị tập trung thảo luận những vấn đề còn tồn tại, nêu lên những ý kiến sửa đổi và đặc biệt là nêu lên quan điểm về việc sửa đổi Luật Giáo dục như hiện nay hay xây dựng Luật khung mới cho phù hợp thực tiễn phát triển của giáo dục Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia sâu rộng vào các quan hệ kinh tế quốc tế, việc sửa đổi Luật Giáo dục cho phù hợp với cam kết và các điều ước quốc tế mà Việt nam đã ký hoặc là thành viên là điều quan trọng đóng góp vào những quyết sách lớn của đất nước.
Tất cả những ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục, những nhà nghiên cứu khoa học... đều được ghi nhận đầy đủ, khách quan, trung thực. Những nội dung trên sẽ được tổng hợp đầy đủ trong báo cáo góp ý gửi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hồng Thiết