Quan tâm hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người mù
07/12/2017 - 16:02

TĐKT - Sáng 7/12, tại Hà Nội, Hội Người mù Việt Nam long trọng tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Tới dự, có: bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; bà Đào Hồng Lan, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người mù Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2017 - 2022

Báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam khóa VIII Cao Văn Thành khẳng định: Bám sát nghị quyết Đại hội lần thứ VIII với tinh thần: “Đoàn kết, dân chủ, đổi mới, hội nhập, tích cực tham gia vào các chương trình của Nhà nước, phấn đấu vươn lên vì hạnh phúc của người mù”, trong nhiệm kỳ 2012 – 2017, toàn thể cán bộ, hội viên Hội Người mù Việt Nam đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo xây dựng Hội. Đời sống vật chất, tinh thần của người mù ngày càng được nâng cao, góp phần đóng góp vào công cuộc đổi mới đất nước.

Trong 5 năm qua, đã có 9 tỉnh hội mới được thành lập, nâng tổng số lên 57 tỉnh, thành hội, 436 huyện hội, hơn 3.000 chi hội và trên 72.000 hội viên.

Các cấp hội luôn quan tâm hỗ trợ hội viên thông qua các chương trình tạo việc làm, tổ chức sản xuất cho người mù trên cơ sở định hướng: Nghề xoa bóp, tẩm quất là nghề chính, mũi nhọn; sản xuất thủ công, làm tăm chổi là nghề truyền thống; chăn nuôi, trồng trọt là nghề chủ đạo ở nông thôn.

Đặc biệt, nghề xoa bóp hiện đang phát triển mạnh về số lượng cơ sở và kỹ thuật viên, trình độ tay nghề của người mù theo nghề từng bước được nâng cao, đem lại nguồn thu nhập ổn định ở mức 2,5 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, Hội Người mù Việt Nam cũng quản lý, triển khai hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác dạy nghề; chăm lo đời sống hội viên; truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình; đào tạo, phục hồi chức năng; hợp tác quốc tế...

Nhiệm kỳ 2017 – 2022, Hội Người mù Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh; thực hiện tốt chức năng đại diện, tập hợp, chăm sóc người mù. Theo đó, chủ đề của Đại hội lần thứ IX: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Hội, vì sự tiến bộ của người mù” là mục tiêu xuyên suốt nhiệm kỳ.

Phát biểu tại Đại hội, ghi nhận những nỗ lực của các cấp Hội Người mù, bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật nhấn mạnh: Để đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật nói chung và người khiếm thị nói riêng, các cấp Hội Người mù cần phát huy tốt hơn nữa kết quả đã đạt được; quan tâm củng cố tổ chức hội ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; vận động phát triển hội viên ở những địa phương, đơn vị đã có tổ chức Hội nhưng vẫn còn nhiều người khiếm thị chưa được kết nạp; tăng cường tham gia dạy chữ, dạy nghề, hướng nghiệp cho người mù; phát huy nội lực sẵn có để người khiếm thị có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc...

Đại hội đã hiệp thương bầu ra Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới gồm 56 đồng chí, trong đó Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí. Ông Phạm Viết Thu giữ chức Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Nhân dịp này, Hội Người mù Việt Nam đã trao Bằng khen của Trung ương Hội khóa VIII cho 22 tỉnh, thành hội và Trung tâm đào tạo chức năng cho người mù có nhiều đóng góp trong công tác Hội.

Phương Thanh