TĐKT - Sáng 5/12, tại Hà Nội, Hội Sinh vật cảnh TP Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị tôn vinh nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu toàn quốc đồng hành vì sự nghiệp phát triển Thủ đô lần I năm 2017. Dự Hội nghị có hơn 250 nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn SVC tiêu biểu toàn quốc.
Ban tổ chức trao Cúp và Bằng vinh danh cho các chủ nhà vườn tiêu biểu
Hội nghị được tổ chức nhằm góp phần khẳng định thương hiệu và giá trị cây cảnh nghệ thuật Việt Nam; tăng cường liên kết nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa sinh vật cảnh (SVC) trong bối cảnh thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tái cấu trúc lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Báo cáo tại Hội nghị nhấn mạnh: Phần lớn những hoạt động lễ hội văn hóa, giao lưu kinh tế SVC có quy mô lớn của cả nước trong những năm vừa qua đều diễn ra long trọng ở Thủ đô, thu hút sự tham gia của hàng ngàn nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, đã làm cho hàng triệu người trong và ngoài nước biết đến hoạt động SVC, làm thay đổi nhận thức SVC không chỉ là một thú chơi văn hóa là thực sự là một ngành kinh tế sinh thái giàu tiềm năng.
Tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao Cúp và Bằng Vinh danh cho 60 cá nhân tiêu biểu, Cúp Danh dự cho 40 đơn vị phối hợp và một số nhân sĩ, trí thức. Đây là những tập thể, cá nhân tiêu biểu nhất trong công tác đồng hành với Hội ở các chuyên ngành: Cây, hoa, đá, cá, chim, gỗ lũa nghệ thuật. Họ không chỉ đồng hành trong công tác chuyên môn mà còn đồng hành trong công tác hướng về cộng đồng.
Trước thềm Hội nghị, Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội long trọng tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV (2017 – 2022). Được thành lập năm 2003 với tên gọi ban đầu là CLB Cây cảnh Nghệ thuật Hà Nội, đổi tên là Hội Cây cảnh Nghệ thuật Hà Nội năm 2008, sau 15 xây dựng và trưởng thành, đến nay Hội đã có gần 200 hội viên.
Trong suốt chiều dài hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành của Hội SVC TP Hà Nội, Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội không chỉ là lực lượng nòng cốt, tiên phong, là "linh hồn" của tổ chức Hội và phong trào SVC Thủ đô mà còn đóng vai trò: "Kết nối tiềm năng, Gia tăng giá trị" giữa giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn SVC Thủ đô với cả nước.
Trong nhiệm kỳ (2017 - 2022), Hội Cây cảnh nghệ thuật Hà Nội sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống và giá trị đã đạt được trong 15 năm qua, mở rộng và từng bước nâng cao chất lượng hội viên. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động Hội cho phù hợp với tình hình mới.
Theo đó, Hội phải lấy hoạt động chuyên môn để gắn kết tổ chức, phải làm cho hội viên thấy được lợi ích thực sự thiết thực để họ thấy được lợi ích thiết thực khi cần Hội, rồi tự nguyện gắn bó. Nội dung sinh hoạt chuyên môn ngày càng được đổi mới theo hướng thiết thực, tăng tính chuyên môn hoá, mở rộng các hình thức tổ chức và sinh hoạt hội. Tăng cường phối hợp, liên kết, kết nghĩa với tất cả các tổ chức có liên quan theo cả chiều dọc và chiều ngang trong phạm vi cả nước.
Nhân dịp này, Ban tổ chức Hội nghị đã tập hợp những ý kiến kiến nghị của đông đảo giới nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn tiêu biểu toàn quốc đồng hành vì sự phát triển SVC Thủ đô lần I năm 2017 để gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn bất cập tạo thị trường SVC Việt Nam phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Phương Thanh