TĐKT - Ngày 30/11, Tổng cục Hải quan họp báo chuyên đề về tình hình thu ngân sách năm 2017 và các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2017.
Họp báo chuyên đề
Cục trưởng Cục Thuế xuất, nhập khẩu Lưu Mạnh Tường cho biết:nhiệm vụ thu ngân sách của ngành Hải quan được giao năm 2017 là thách thức lớn, phải nỗ lực đạt được các mốc chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao là 285.000 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng phải thu 23.750 tỷ đồng). Đồng thời, mới đây, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính đã giao chỉ tiêu thu cho ngành Hải quan là 295.000 tỷ đồng (bình quân mỗi tháng phải thu 24.583 tỷ đồng, cao hơn dự toán 3,5%).
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thu ngân sách, từ đầu năm đến nay, Tổng cục Hải quan đã phân bổ chỉ tiêu cho 35 cục hải quan tỉnh, thành phố; triển khai tích cực, quyết liệt, đồng bộ 5 nhóm giải pháp. Trong đó, tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường thanh, kiểm tra, chống thất thu, kiểm tra sau thông quan; thu hồi nợ và xử lý nợ thuế.
Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành 3 danh mục rủi ro về trị giá, với 70 nhóm hàng và trên 7.500 mức giá; 2 danh mục rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế đối với hơn 500 mặt hàng, cảnh báo dấu hiệu nghi vấn về mã số khai báo, mức thuế, nhằm chống thất thu ngân sách.
Nhờ vậy, tính đến 28/11/2017, ngành Hải quan đã thu đạt 261.158 tỷ đồng, đạt 91,6% dự toán, bằng 88,5% chỉ tiêu phấn đấu (295.000 tỷ đồng).
Kết quả thu ngân sách khả quan nêu trên có sự đóng góp của kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng của năm 2017 ước đạt 384,7 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Trong đó, các mặt hàng chủ lực có thuế suất cao đều đạt mức tăng trưởng tốt: ô tô và linh kiện ô tô, xăng dầu, sắt, thép, máy móc, thiết bị (chiếm khoảng 50%/tổng thu). Xăng dầu nhập khẩu các loại tăng 39% về trị giá. Sắt, thép nhập khẩu các loại tăng 14,3%. Máy móc, thiết bị nhập khẩu tăng 20,7%.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng đã giao chỉ tiêu thu hồi và xử lý nợ thuế trong toàn ngành đối với các khoản nợ có khả năng thu (1.307 tỷ đồng). Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã tổ chức các đoàn công tác tới các cục hải quan địa phương để hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý nợ thuế như Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Lạng Sơn.... Đây là những địa phương có số thu lớn, nợ thuế cao, nợ mới phát sinh tăng, loại hình phức tạp, nhiều mặt hàng nhạy cảm để quán triệt, yêu cầu các địa phương tích cực thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế.
Thống kê đến 31/10, các khoản nợ của ngành Hải quan quản lý từ trước tới nay là 5.406 tỷ đồng, giảm 72 tỷ đồng, nợ khó thu 3.770 tỷ đồng, giảm 3% so với cuối năm 2016. Trong 10 tháng của năm 2017 số nợ chỉ hơn 512 tỷ đồng.
Về chống gian lận thuế đối với hoạt động nhập khẩu ô tô và thép xuất khẩu, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, cơ quan hải quan đã tiến hành tham vấn giá theo 6 bước và đã kiểm soát chặt việc khai báo giá nhập khẩu của các công ty, tiến hành kiểm tra sau thông quan và ấn định truy thu thuế đối với nhiều công ty.
Đối với mặt hàng thép xuất khẩu (nghi là thép Trung Quốc “mượn” xuất xứ hàng Việt Nam), cơ quan hải quan đang phối hợp với Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành làm rõ. Về phía Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản chỉ đạo hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận đối với mặt hàng này.
Hồng Thiết