TĐKT - Từ một ý tưởng được cho là mạo hiểm – nhân rộng vùng sản xuất gạo Séng Cù và quảng bá sản phẩm tới mọi vùng miền trên cả nước, giám đốc trẻ Cao Xuân Diễn của HTX Tiên Phong, xã Mường Vi, huyện Bát Xát, Lào Cai đã từng bước xây dựng được thương hiệu cho đặc sản quê hương và giúp đỡ nhiều nông dân thoát nghèo. Bà con trìu mến gọi HTX của anh bằng cái tên “bà đỡ của nông dân”.
Anh Cao Xuân Diễn, Giám đốc HTX Tiên Phong cùng người dân thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Vi
Xuất thân từ một gia đình nông dân tại Mường Vi, từ nhỏ, Cao Xuân Diễn đã gắn bó với đồng ruộng và những nông sản đặc trưng nơi đây. Mong muốn thoát nghèo và giới thiệu đặc sản quê hương tới mọi miền đã nung nấu trong Diễn tự bao giờ.
Sau nhiều năm mày mò tìm hiểu thị trường, đặc tính canh tác của người dân bản địa, năm 2014, giám đốc trẻ Cao Xuân Diễn vận động bà con thành lập HTX Tiên Phong để làm cầu nối cho gạo Séng Cù với thị trường. Anh cho biết: chúng tôi quyết định chọn mặt hàng kinh doanh của mình từ thóc Séng Cù Mường Vi bởi đây chính là đặc sản quê hương, giúp cho người dân có nguồn thu nhập ổn định.
Gạo Séng Cù Mường Vi ngon hơn mọi nơi khác bởi nơi đây có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu khác với các vùng khác, nắng nhiều làm cho cây lúa được quang hợp tốt, nhiệt độ trung bình trong năm dao động từ 28 – 30 độ C. Biên độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau tương đối lớn. Điều đó làm cho cây lúa không bị mất năng lượng, hạt thóc liên tục được bổ sung dinh dưỡng. Mường Vi ít có những ngày thời tiết âm u nên sâu bệnh hại lúa ít phát triển. Do đó các loại thuốc hóa học không sử dụng nhiều.
“Gạo Séng Cù không những thơm ngon tự nhiên mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng vitamin cao gấp hơn 3 lần so với gạo thông thường nên đã xứng danh là "Đặc sản Tây Bắc" được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Tuy nhiên nhiều năm qua, người nông dân thu hoạch thường bị tư thương ép giá. Vì lẽ đó mà tôi đã đứng lên thành lập HTX và kêu gọi các thành viên tham gia.” – Anh chia sẻ.
Ban đầu HTX liên kết với 26 hộ dân trên địa bàn xã Mường Vi chuyên sản xuất lúa Séng Cù. Các hộ dân này được HTX hỗ trợ kỹ thuật, phân bón và giúp tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định. Không còn nỗi lo bị mất giá hay bị lái thương ép giá, các hộ dân được chọn để thực hiện mô hình liên kết đều đồng tình, hưởng ứng, yên tâm lao động, sản xuất, tích cực chăm bón đồng ruộng, ra sức học tập, trau dồi kinh nghiệm về nông nghiệp, học hỏi kỹ năng kinh doanh, đầu tư và dồn mọi tâm huyết đẩy hoạt động của HTX ngày càng phát triển đi lên.
Những ngày đầu thành lập, do thiếu vốn, việc thu mua cũng gặp nhiều hạn chế, công đoạn chế biến gạo còn thô sơ, nên kết quả hoạt động của HTX đạt thấp, không tương xứng với tiềm năng của địa phương và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Nhận thấy thị trường lúa gạo có tiềm năng phát triển mạnh hơn, Diễn đã bàn với các thành viên đầu tư thêm hệ thống máy liên hoàn, xây dựng kho bãi để HTX đi vào hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn. Khi nhận được sự đồng tình, HTX đã huy động vốn đầu tư dây chuyền sản xuất gạo trên 1 tỷ đồng, máy tách màu, máy đóng bao bì.
Dây truyền sản xuất gạo của HTX Tiên Phong
Mỗi một công đoạn xay xát, chế biến sản phẩm đều được thực hiện tỉ mỉ, kỳ công. Sản phẩm thóc Séng Cù thu mua về được HTX sấy ở nhiệt độ nhất định để đảm bảo độ khô, giữ được tinh chất của gạo và giúp gạo bảo quản được lâu hơn. Từ hạt thóc đó, HTX chế biến ra thành 3 sản phẩm: gạo lứt Séng Cù, gạo mầm Séng Cù và gạo tẻ Séng Cù để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Anh Cao Xuân Diễn cho biết: “Tất cả sản phẩm gạo của HTX đều tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Sản phẩm của người dân làm ra được thu mua kịp thời, nên không còn hiện tượng tồn thóc gạo trong dân.”
Để sản phẩm không bị làm nhái, Hội đồng quản trị HTX đã đăng ký thương hiệu, lô gô, thiết kế mẫu mã bao bì đủ tiêu chuẩn có thể đưa sản phẩm vào siêu thị và xuất khẩu ra thị trường.
Vượt qua nhiều khó khăn, đến nay, HTX Tiên Phong đã có số vốn lưu động trên 2 tỷ đồng. Kho xưởng được xây dựng khang trang, kiên cố với hệ thống máy móc hiện đại. Năm 2015 HTX sản xuất được trên 170 tấn gạo. Từ đầu năm 2016 đến nay sản xuất được trên 200 tấn gạo các loại, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hoạt động của HTX tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động của địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ những nỗ lực của Cao Xuân Diễn và HTX Tiên Phong, đời sống của bà con nông dân xã Mương Vi đã có nhiều đổi khác. Một vùng nguyên liệu rộng lớn nơi thung lũng Mường Vi vẫn trải dài ngút ngàn, hứa hẹn mang lại những vụ mùa bội thu và ấm no cho bà con.
Nguyệt Hà