TĐKT - Đất nước Việt Nam ngày một thay đổi, phát triển và hội nhập với diện mạo có nhiều khởi sắc. Những cây cầu hũng vĩ vắt ngang sông, những cung đường rộng dài mới mở, những tán cây tỏa bóng xanh mát, những tòa nhà kiêu hãnh vươn mình khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của đất nước… Góp phần vào thành tựu đó là sự đóng góp công sức, trí tuệ và lòng tận tâm của hàng triệu công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngành Xây dựng nhiều năm qua luôn tích cực thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong suốt chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ CNVCLĐ ngành Xây dựng khắc ghi và thực hiện lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, triển khai nhiều phong trào thi đua có “thương hiệu”, góp phần hoàn thành xuất sắc các mục tiêu thi đua của ngành. Đặc biệt, trong đó phải kể đến phong trào thi đua Lao động giỏi, lao động sáng tạo. Qua phong trào, CNVCLĐ ngành Xây dựng đã khẳng định bản lĩnh vững vàng, tài trí sáng tạo, vươn lên làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong thiết kế, thi công, xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng. Bàn tay tài hoa và trí thông minh của cán bộ, công nhân xây dựng Việt Nam đã tạo nên những công trình dân dụng, công nghiệp, thủy lợi, thủy điện, giao thông... có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sâu sắc.
Chỉ tính riêng năm 2016, hiệu quả phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngành Xây dựng mang lại là rất lớn, với 1.201 sáng kiến, đề tài được áp dụng, tổng giá trị làm lợi hơn 418,6 tỷ đồng. Tiêu biểu là các đơn vị thuộc Tổng Công ty: Vicem, Sông Đà, Licogi, Lilama, Viglacera... Nhiều công nhân, kỹ sư, người lao động đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đem lại lợi nhuận cao cho đơn vị, trở thành những điển hình tiêu biểu trong lao động, sản xuất của ngành.
Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo toàn quốc ngành Xây dựng năm 2017, anh Lê Công Bình được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba
Anh Lê Công Bình, sinh năm 1984, Tổ trưởng tổ gia công và hàn, Phân xưởng bảo trì, Nhà máy xi măng Tây Ninh, Công ty cổ phần Xi măng Fico Tây Ninh, Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 là một trong những tấm gương sáng được lựa chọn giao lưu tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo toàn quốc ngành Xây dựng năm 2017.
Dù còn khá trẻ, anh Bình luôn ý thức vai trò và trách nhiệm của một tổ trưởng, đó là làm sao tập hợp, đoàn kết được anh em trong tổ đồng lòng, đồng sức lao động và công tác để công việc đạt hiệu quả cao nhất, an toàn nhất, thu nhập của mỗi người được cải thiện. Với suy nghĩ đó, anh Bình luôn gương mẫu trong công việc, tận tâm với nhiệm vụ được giao, liên tục đóng góp nhiều sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao.
Chia sẻ về “Cải tiến cơ cấu làm kín đầu lò nung clinker” gần đây của mình, anh Bình cho biết: trước đây đầu lò được làm kín bằng cơ cấu đẩy các tấm grapite. Cơ cấu này không kín và các tấm graphite thường xuyên vị vỡ, gây mất áp và không giữ được liệu khi lò bị plusing. Khi muốn thay các tấm graphite phải dừng lò rất bất tiện. Hơn nữa cơ cấu này sử dụng một thời gian, cổ lò sẽ bị mòn do ma sát với tấm graphite. Việc thay thế cổ lò rất khó khăn. Ngoài ra khi đầu lò không được làm kín sẽ gây tốn than và đóng bám đầu lò. Trước thực trạng đó, anh Bình đã nghiên cứu cải tiến cơ cấu làm kín đầu lò nung clinker làm bằng hai mặt chà và được bôi trơn bằng hệ thống bơm mỡ tự động do được gia công bằng thép XẢ 500 nên rất ít mòn. Cải tiến của anh được áp dụng đến nay sau 2 năm vẫn hoạt động tốt, không bị mất áp, giúp giảm tiêu hao nhiệt, giảm hiện tượng tràn liệu đầu lò, giảm chi phí bảo trì sửa chữa, đồng thời giảm nhiên liệu than và dầu mỏ, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và làm lợi cho công ty 300 triệu đồng/ năm.
Ngoài ra, trong thời gian qua, anh còn có hai sáng kiến khác đó là nghiên cứu cải tiến rotor máy đập đá 211 – HC1 ( được áp dụng 2 năm qua với giá trị làm lợi của đạt hơn 1 tỷ đồng) và cải tiến nối dài phễu đổ từ băng tải 221 – BC4 cuống thẳng băng tải 221 – BC6, không sử dụng băng tải 221 – BC5, giảm điện năng, giảm sức lao động, giảm ô nhiễm môi trường (sáng kiến đạt giải khuyến khích Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi toàn quốc ngành xây dựng năm 2014).
Với những thành tích đạt được, năm 2013, 2015, 2016 anh Bình được tặng Bằng khen của Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 vì có thành tích trong phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đặc biệt, năm 2017, anh Bình vinh dự được Công đoàn Xây dựng Việt Nam đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Năm 2017, Công đoàn Xây dựng Việt Nam biểu dương 188 điển hình tiên tiến lao động giỏi, lao động sáng tạo
Anh Phạm Văn Phương, Thợ vận hành máy nghiền bi bậc 6/7, tổ trưởng tổ máy nghiền 541, Xưởng Xi măng, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng là một minh chứng khác về sức sáng tạo không ngừng, tài năng, trí tuệ của những người lao động ngành Xây dựng.
Là thợ vận hành trong một nhà máy xi măng đòi hỏi người thợ không chỉ chăm chỉ, nhiệt tâm mà tinh thần trách nhiệm cũng phải rất cao và phải có trình độ nhất định, phải nắm bắt được cấu tạo và nguyên lý hoạt động của các thiết bị. Có như vậy mới đảm bảo được công tác an toàn và nâng cao hiệu quả sản xuất. Xác định là tổ trưởng thì vai trò và trách nhiệm càng nặng nề hơn nên anh Phạm Văn Phương đã nỗ lực sáng tạo, tìm các giải pháp để nâng cao năng suất lao động lại đảm bảo an toàn cho mình và các đồng nghiệp.
Anh Phương nói: Là tổ trưởng, chịu trách nhiệm phụ trách tổ sản xuất bao gồm 1 máy nghiền đứng và 2 máy nghiền bi và hệ thống 4 gầu nâng và chục băng tải cao su, vít tải, công việc nhiều đòi hỏi mỗi thành viên trong tổ phải rất tích cực, do vậy vừa phải đôn đốc anh em làm, mình vừa phải gương mẫu để anh em tích cực theo.
Từ năm 2014 đến 2016, năm nào anh cũng có sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu đó là nghiên cứu cải tiến hộ cấp liệu băng cân 541 WF055. Sau khi sáng kiến này được áp dụng, hộp cấp liệu, băng không còn bị cào rách mặt băng, giúp giảm chi phí mua băng mới mỗi năm hàng chục triệu đồng, sản xuất ổn định do không phải ngừng lại để sửa chữa.
Sáng kiến thứ hai của anh là cải tiến phục hồi xích gầu cũ. Sáng kiến đã giúp hoạt động sản xuất ổn định, giúp cho năng suất máy đóng bao được nâng lên và giảm chi phí mua xích gầu mới hàng tỷ đồng mỗi năm. Sáng kiến thứ 3 của anh đó là cải tiến phục hồi gầu nâng hỏng. Xuất phát từ thực tiễn công việc, đó là mỗi khi bảo trì, sửa chữa, số gầu bị mòn bị thủng rất nhiều, nếu thay ra thì rất lãng phí và số gầu thủng mòn chỉ có thể bán sắt vụn, làm tăng chi phí sửa chữa hàng năm. Để tận dụng, anh đề nghị nắn sửa lại các gầu méo hỏng thì làm đồ gá, đưa lên máy thủy lực 50 tấn nắn lại theo hình dạng ban đầu. Đối với các gầu bị mòn thủng thì cắt bỏ phần thép bị mòn, dùng thép chịu mòn hardox dày 3m m cắt thành các tấm hàn lại. Việc làm này đã làm giảm tiền mua gầu mới lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với thành tích đạt được, 3 năm qua, anh Phương luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Anh Bình và anh Phương là hai trong số những “cây sáng kiến” tiêu biểu, góp phần tô thắm phẩm chất cao đẹp của người lao động ngành Xây dựng: dù công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có trình độ học vấn, tay nghề và thời gian công tác, điều kiện làm việc khác nhau, song tất cả đều có điểm chung về những phẩm chất cao đẹp là lao động cần cù, chịu khó, giàu nghị lực, năng động, sáng tạo, yêu công việc. Họ là những người luôn khát khao tìm hiểu, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác nhằm nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, cải thiện điều kiện làm việc góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bản thân, của đồng nghiệp và góp phần xây dựng đơn vị phát triển bền vững.
Mai Thảo