TĐKT- Do thói quen của nhiều nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vỏ bao bì, chai lọ thường vứt bỏ bừa bãi tại các cánh đồng, điều này đã làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe người dân.Trước thực trạng trên, xã Yên Thái (Yên Mô, Ninh Bình) đã triển khai mô hình Bể bê tông thu gom rác thải, thuốc BVTV và đã đạt được những kết quả tích cực.
Mô hình bể chứa rác thải thuốc BVTV sau sử dụng tại Yên Thái (Yên Mô)
Xã Yên Thái có tổng diện tích đất canh tác là 484 ha, trong đó đất 2 lúa là 434 ha, đất chuyên màu là 50 ha. Hàng năm, nhu cầu sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất của các hộ dân trong xã cao, vì vậy lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV đã qua sử dụng rất lớn. Đặc biệt, bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không có chỗ chứa, hầu hết người dân đều có thói quen vứt bừa bãi trên đường đi, nơi pha thuốc, bờ mương, bờ ruộng. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe của các hộ dân trên địa bàn.
Ông Vũ Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thái cho biết: năm 2016, Yên Thái được chọn là xã điểm của tỉnh trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Xã đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ mở nhiều lớp tập huấn cho bà con nông dân về kỹ thuật canh tác tốt, cách sử dụng thuốc 4 đúng, đảm bảo thời gian cách ly, phương pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM…
Đồng thời, để từng bước nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV, Sở đã phối hợp với UBND xã Yên Thái triển khai thực hiện mô hình thu gom vỏ thuốc BVTV qua sử dụng. Từ nguồn vốn tự có và kinh phí hỗ trợ của Sở, hơn 70 bể chứa vỏ bao gói thuốc BVTV đã được xây dựng ở 2 HTX Đông Thôn và Quang Trung. Tại các điểm xây dựng bể chứa đều thuận tiện đường giao thông, xa nguồn nước, xa khu dân cư, phân bố hợp lý, thuận lợi cho người dân, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Riêng HTX nông nghiệp Đông Thôn đã xây dựng được hàng chục bể chứa bao gói thuốc BVTV, phủ kín các cánh đồng, trung bình chưa tới 2 ha thì đặt 1 bể.
Anh Nguyễn Hữu Hải, HTX nông nghiệp Đông Thôn cho biết: "Trước đây, thường tôi vứt luôn vỏ bao thuốc sau khi sử dụng ở ruộng hay nơi lấy nước. Nhưng từ khi có bể chứa, tôi đều bỏ vào bể. Giờ đồng ruộng không còn thấy vỏ chai, lọ, bao thuốc BVTV vứt lung tung như trước nữa, sạch sẽ và an toàn hơn rất nhiều, đi làm đồng cũng cảm thấy yên tâm hơn vì không lo dẫm phải chai, lọ như trước".
Có bể chứa, vỏ bao bì, chai lọ thuốc sau khi đã sử dụng xong sẽ được bà con tự giác thu gom vào thùng. Người nào không có ý thức, vi phạm bỏ bừa bãi ngoài đồng sẽ bị mọi người nhắc nhở. Ý thức, trách nhiệm của bà con trong việc bảo vệ môi trường đã được nâng lên rất nhiều.
Có thể thấy, mô hình Bể thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tại Yên Thái bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tích cực, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường.
Với những kết quả tích cực đạt được, trong năm 2017, Yên Thái quyết tâm đầu tư xây dựng thêm khoảng 80 bể chứa nữa để nông dân sử dụng. Tuy nhiên, theo ông Đạo, vấn đề băn khoăn của xã hiện nay là rác thải từ chai lọ, vỏ bao bì thuốc BVTV không thể tiêu hủy bằng cách chôn hoặc đốt như các loại rác thải thông thường. Vì vậy, để giảm tác hại với môi trường cần có sự quan tâm của các ngành chức năng, giúp đỡ, hướng dẫn bảo đảm tiêu hủy đúng quy trình, an toàn. Đồng thời, cũng theo ông Đạo, giải pháp mang tính quyết định vẫn là ý thức bảo vệ môi trường của người dân, vì thực tế, nếu địa phương có xây bể để thu gom rác thải nông nghiệp, nhưng vẫn còn một số nông dân không mang các loại rác thải từ thuốc BVTV bỏ vào túi rác thì mô hình không mang lại hiệu quả.
Tùng Chi