TĐKT - Sáng 22/11, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố báo cáo của OECD "Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam". Tới dự có: Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet; Trưởng đại diện tổ chức Hanns Seidel Foundation tại Việt Nam Axel Neubert.
Lễ công bố báo cáo "Tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam"
Ở Việt Nam, thanh thiếu niên độ tuổi từ 15 đến 29 hiện đang chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là tỷ trọng thanh thiếu niên trong dân số lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, tạo cơ hội vàng cho đất nước phát triển kinh tế, xã hội. Thanh niên được coi là tài sản cho sự thịnh vượng của quốc gia, chỉ có thể khai thác được nếu giới trẻ được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng, được chăm sóc sức khỏe, có việc làm đàng hoàng và có cuộc sống chính trị - xã hội tích cực.
Tuy nhiên, thanh niên Việt Nam phải đối mặt với thách thức trên nhiều mặt. Nghiên cứu tổng quan về chính sách phúc lợi của thanh niên ở Việt Nam sử dụng cách tiếp cận đa ngành để có cái nhìn sâu hơn về tình hình giới trẻ trong 4 lĩnh vực: giáo dục, y tế, việc làm và sự tham gia xã hội.
Theo báo cáo, việc làm là thách thức lớn nhất đối với thanh niên Việt Nam. 43,5% thanh niên đang làm công việc không phù hợp với trình độ của họ. Trên thực tế, 92% thanh niên có trình độ đại học mong muốn có được việc làm tay nghề cao, nhưng chỉ 70% thực sự có việc. 75% lao động trẻ không được tham gia bảo hiểm xã hội dưới bất kỳ hình thức nào và gần một nửa trong số họ không được kết giao hợp đồng bằng văn bản.
Một khía cạnh quan trọng của phúc lợi thanh niên là quyền công dân và sự tham gia. Khảo sát cho thấy thanh niên Việt Nam ít quan tâm đến chính trị, chưa tới một nửa từng xem hoặc nghe tin tức về các vấn đề quốc gia và chưa đến 15% tham gia vào một số quá trình xây dựng chính sách. Thanh niên có trình độ học vấn cao quan tâm nhiều hơn đến chính trị và có nhiều tham vọng hơn về mặt chính trị, kinh tế. Thanh thiếu niên không được đến trường thường bị bỏ rơi ở phía sau.
Việc ban hành Luật Thanh niên năm 2005 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện các quyền của thanh niên Việt Nam. Nghị định số 120/2007/NĐ-CP ngày 23/7/2007 đã được Chính phủ thông qua để hướng dẫn thực hiện Luật Thanh niên và đưa ra nhiều chính sách trong các lĩnh vực quan trọng cho thanh niên. Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 cung cấp một khuôn khổ toàn diện cho các cơ quan Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền của thanh niên. Một số chính sách và cơ chế đã được ban hành và thông qua để cải thiện đầu ra trong y tế, giáo dục, việc làm và sự tham gia của công dân cho tất cả thanh thiếu niên, bao gồm những người dễ bị tổn thương nhất từ các hộ nghèo và các nhóm dân tộc thiểu số.
Báo cáo cho rằng, thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm trong chính sách, tuy vậy, cải cách chính sách phúc lợi cho thanh niên cần được thực hiện trên nhiều mặt.
Cụ thể, trong y tế, các dịch vụ y tế thân thiện với thanh thiếu niên và các phòng khám đa khoa nhạy cảm giới nên được tiếp cận dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với phụ nữ trẻ sống ở nông thôn và cho thanh niên có trình độ thấp. Trong giáo dục, vấn đề bỏ học từ cấp phổ thông trung học cần được giải quyết. Chính phủ nên tạo điều kiện và khuyến khích thanh thiếu niên còn trong độ tuổi đi học trở lại trường và tăng cường các khoản hỗ trợ tài chính cho các hộ gia dình thuộc diện nghèo để giảm bớt những khó khăn về tài chính trong học tập. Việc tăng cường chất lượng giáo dục phải nhận được quan tâm và ưu tiên đặc biệt.
Thanh thiếu niên cần được tư vấn nghề nghiệp từ sớm và được thông tin chính xác về nhu cầu và những thay đổi trên thị trường lao động. Cần mở rộng cơ hội đào tạo cho tất cả thanh thiếu niên và thu hẹp khoảng cách giữa kỹ năng nghề nghiệp và nhu cầu thị trường lao động. Cần đầu tư vào dạy nghề để giải quyết các vấn đề không phù hợp kỹ năng, đặc biệt ở các vùng nông thôn…
Chính phủ nên thúc đẩy các hoạt động tình nguyện và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì thanh thiếu niên khu vực nông thôn để giúp họ có được những kỹ năng mềm và tìm hiểu về chính trị, quyền công dân. Cần đảm bảo một môi trường có lợi cho các cuộc tranh luận cởi mở để phát triển sáng kiến của thanh thiếu niên, giúp họ tự do thể hiện ý kiến của mình.
Về khía cạnh thể chế, các cơ quan Chính phủ phụ trách thanh niên như Bộ Nội vụ, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần phải phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
Để đảm bảo các chính sách thanh niên quốc gia được lồng ghép vào kế hoạch phát triển chung của đất nước, Chính phủ cần có biện pháp để phân bổ đủ nguồn lực tài chính cho phát triển thanh niên.
Nguyệt Hà