TĐKT - Chiều 21/11, tại Hà Nội, Viện Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức Tọa đàm khoa học "Luật An ninh mạng và tác động đến các ngành công nghệ, truyền thông và nội dung số: đánh giá và kiến nghị chính sách". Ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì Tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Tọa đàm
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã cùng chia sẻ và trao đổi về các nội dung: khuôn khổ pháp lý về an ninh mạng của Việt Nam; tác động dự kiến của một số quy định trong Luật đến các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, truyền thông, nội dung số; tác động của Luật đến doanh nghiệp trong ngành - ý kiến của doanh nghiệp; các vấn đề về tin giả, phát ngôn thù ghét, bôi xấu và tấn công cá nhân - vai trò của các doanh nghiệp.
Từ nhiều thập kỷ nay, vấn đề an toàn môi trường mạng đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đây vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ. Chính vì thế, phần đông người sử dụng mạng ở Việt Nam chưa lường trước được các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường mạng.
Tháng 7/2017, Liên hiệp Viễn thông quốc tế đã đưa ra Chỉ số an ninh mạng năm 2017. Chỉ số này được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau của mỗi quốc gia liên quan đến an toàn mạng, bao gồm khuôn khổ pháp luật, năng lực tổ chức, năng lực kỹ thuật, khả năng xây dựng năng lực, hợp tác trong và ngoài nước trong lĩnh vực này.
Việt Nam chỉ đứng vị trí 101/193 nước được đánh giá về Chỉ số an ninh mạng, thấp hơn cả Indonesia (vị trí 70), Lào (vị trí 77), Campuchia (vị trí 92) và Myanmar (vị trí 100). An ninh mạng ở Việt Nam chỉ được đánh giá cao hơn một vài nước kém phát triển ở châu Á như Bhutan, Afganistan hay Mông Cổ.
Các đại biểu cho rằng một trong những lý do chính là khuôn khổ pháp lý hiện tại của Việt Nam chưa đủ để đảm bảo một môi trường số thực sự an toàn, lành mạnh cho người sử dụng. Các quy định pháp luật của Việt Nam liên quan đến an toàn thông tin và an ninh thông tin nằm rải rác ở nhiều văn bản luật và dưới luật khác nhau, dẫn đến vừa thiếu luật vừa chồng chéo.
Luật còn nhiều thiếu sót, bất cập. Một mặt chế tài còn chưa đủ nghiêm khắc, mặt khác luật chưa quy định rõ ràng và cụ thể các điều kiện thu thập thông tin, mức độ hay các biện pháp cần phải tiến hành để bảo vệ thông tin, cũng như các giải pháp ứng cứu, khắc phục hay ngăn chặn xâm nhập. Nguy cơ mất an ninh thông tin mạng cũng rất lớn ở Việt Nam. Điển hình nhất, người dùng internet liên tục phải đối mặt với “cơn bão” thông tin trên mạng, trong đó có cả tin giả, phát ngôn thù ghét, cũng như các thông tin kích động bạo lực...
Để bảo vệ tốt hơn người dùng internet ở Việt Nam, cần sớm cải thiện chất lượng khung luật Việt Nam trong vấn đề an ninh mạng. Do đó, việc sửa đổi và sớm triển khai Luật An toàn An ninh mạng càng trở nên cấp thiết.
Trang Lê