Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở Thanh Trì (Hà Nội)
02/11/2017 - 13:23

TĐKT - Sau Đan Phượng và Đông Anh, mới đây, Thanh Trì là huyện thứ ba của TP Hà Nội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Chính quyền và nhân dân nơi đây đang nô nức, phấn khởi như bước sang một trang mới trong tiến trình phát triển, tiến tới xây dựng Thanh Trì trở thành 1 trong những quận tiêu biểu của TP Hà Nội đến năm 2020.

Huyện nông thôn mới thứ 3 của TP Hà Nội

Vốn là huyện ngoại thành nằm trong quy hoạch đô thị trung tâm mở rộng của Thủ đô Hà Nội, có 15 xã, 1 thị trấn, huyện Thanh Trì bắt tay vào xây dựng nông thôn mới từ năm 2012. Đến nay, huyện đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 100%. Tổng vốn đã bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2016 của huyện là 2.360 tỷ đồng.

Về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, hàng năm, huyện đã chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển kinh tế với tổng số tiền trong 5 năm là 23,61 tỷ đồng. Hỗ trợ đầu tư 92 máy phục vụ cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp. Xây dựng, phát huy hiệu quả vùng trồng rau an toàn với diện tích 140 ha tại Yên Mỹ, Duyên Hà. Xây dựng thành công chuỗi liên kết thực phẩm rau – thịt trên địa bàn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thanh Trì vừa được trao Bằng đạt chuẩn huyện nông thôn mới

Bên cạnh đó, huyện cũng đã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa gần 817 ha đất nông nghiệp, đạt 100% kế hoạch. Hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được ưu tiên đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất. Vùng sản xuất tập trung đã bước đầu được hình thành, đem lại hiệu quả cao: vùng cây ăn quả tập trung (các xã: Vạn Phúc, Yên Mỹ); lúa tập trung (các xã: Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng); rau an toàn (các xã: Yên Mỹ, Duyên Hà); vùng nuôi trồng thủy sản (các xã: Đông Mỹ, Tứ Hiệp, Đại Áng)... 38 trang trại trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, trong đó có 12 trang trại tổng hợp.

Trung tâm phát triển cụm công nghiệp huyện hoạt động khá hiệu quả với 33 doanh nghiệp, thu hút trên 4.000 lao động. Huyện đang từng bước đưa Cụm công nghiệp Tân Triều vào hoạt động. 3 làng nghề truyền thống là dệt Triều Khúc (Tân Triều); bánh chưng, bánh dày Tranh Khúc (Duyên Hà); miến bánh đa Phú Diễn (Hữu Hòa) được thành phố công nhận, bước đầu đã khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 2 lần so với năm 2010. Phấn đấu hết năm 2017 là 38 triệu đồng/người/năm và đến năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người/năm. Các hộ nghèo trên địa bàn huyện đều được quan tâm hỗ trợ để ổn định cuộc sống đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để từng bước thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn dưới 2%.

Tiếp tục phấn đấu nâng cao các tiêu chí nông thôn mới

Ngay từ khi mới bắt đầu, huyện Thanh Trì xác định nông thôn mới là chương trình trọng điểm của huyện nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn theo hướng đô thị. Được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới là niềm tự hào to lớn, tuy nhiên chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì xác định đây chỉ là thành công bước đầu, bởi phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, lâu dài.

Thanh Trì sẽ quyết liệt duy trì, cải thiện điều kiện môi trường nông thôn

Thời gian tới, huyện Thanh Trì sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nhằm giữ vững danh hiệu huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng thời phấn đấu xây dựng xã, huyện nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển huyện đồng bộ theo hướng đô thị.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ từ ngân sách cho các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy mô tập trung và vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ của Trung ương và thành phố để phát triển sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân.

Đặc biệt, huyện sẽ quyết liệt chỉ đạo duy trì, cải thiện điều kiện môi trường nông thôn. Đối với môi trường trong khu dân cư, huyện sẽ quy hoạch và xây dựng đồng bộ các điểm tập kết rác, quy định giờ vận chuyển không để rác tồn đọng qua ngày; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch tổng thể chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh trên toàn hệ thống giao thông nông thôn. Mỗi năm, lựa chọn ít nhất một ao, hồ trong khu dân cư để kêu gọi xã hội hóa cải tạo môi trường, nạo vét, kè bờ, làm lan can, đường dạo và trồng hoa, cây xanh chống lấn chiếm, tạo khu vui chơi cho cộng đồng.

Đối với môi trường các dòng sông, huyện duy trì ra quân tổng vệ sinh môi trường các tuyến sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình dọc hai bên bờ sông cam kết không xây dựng các công trình vi phạm, tập kết vật tư, vật liệu; cắm cọc tiêu, làm đường gom, tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm, tổng vệ sinh, trồng hoa cây xanh dọc tuyến kênh trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, môi trường tại khu công nghiệp, làng nghề sẽ được quan tâm sâu sắc hơn. Huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý rà soát nâng cấp các trạm xử lý nước thải tập trung, chấp hành nghiêm quy chế vận hành; phối hợp tốt với các sở, ngành của thành phố đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường như Nhà máy Pin, Phân lân Văn Điển....

Thục Anh