TĐKT - Sáng 30/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội và thách thức đối với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ quân sự”. Thiếu tướng, TS Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự (Bộ Quốc phòng) chủ trì Hội thảo.
Thiếu tướng, TS Phạm Lâm Hồng, Cục trưởng Cục Khoa học Quân sự phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo nhằm thống nhất đánh giá một cách toàn diện, khách quan về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những thách thức và cơ hội, tác động đối với quân sự, quốc phòng, thực trạng và những nội dung bước đầu đã tiếp cận. Trên cơ sở đó, xác định lộ trình, bước đi phù hợp ở các cấp, các ngành và các lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng, TS Phạm Lâm Hồng nhấn mạnh: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là sự phát triển về khoa học và công nghệ. Trong lĩnh vực quân sự, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động rõ rệt. Việt Nam có thể tận dụng những thành tựu khoa học và công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất để ứng dụng vào trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ quân sự, đặc biệt trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Với 30 tham luận, trong đó có gần 10 tham luận trình bày trực tiếp tại Hội thảo, các đại biểu đã đi sâu làm rõ cơ hội và thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quân sự.
Các ý kiến tại Hội thảo đều khẳng định: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra với những tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội nói chung và lĩnh vực quân sự, quốc phòng nói riêng. Sự tác động đó bao gồm cả các yếu tố tích cực và tiêu cực. Trong đó yếu tố tích cực là chủ đạo, là cơ hội thuận lợi để hiện đại hoá quân đội, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của lực lượng vũ trang đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Vì vậy, cần có điều chỉnh về chiến lược, mục tiêu, quy hoạch và phương hướng, nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ, từ đó có lộ trình, bước đi cụ thể nhằm thực hiện một cách phù hợp, phát triển đồng bộ nhưng có hướng ưu tiên, tập trung nguồn lực. Đồng thời, cần tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, truyền dẫn; ưu tiên phát triển các công nghệ trọng điểm để làm nền tảng thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực liên quan; phát triển nhân lực trình độ cao; đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ để tiếp cận một cách nhanh nhất các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ của các nước phát triển trên thế giới.
Nguyệt Hà