Thành danh từ người phụ nữ nghèo khó
11/05/2017 - 12:29

TĐKT - Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2017- 2022) đã kết thúc tốt đẹp, bên cạnh nhiệm vụ đánh giá, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước của Hội trong 5 năm (2012- 2017), Đại hội còn giới thiệu đến cả nước những bông hoa đẹp là những tấm gương phụ nữ Việt Nam tài sắc vẹn toàn. Trong đó, chị Võ Thị Chút, ở Tiên Phước, Quảng Nam để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.

Tôi vẫn còn nhớ như in lời nói đầy tự hào của chị: Không ai có thể làm được tất cả mọi điều theo ý muốn của bản thân; tình yêu, niềm đam mê và sự sáng tạo trong công việc sẽ giúp chúng ta vượt lên tất cả. Chúng ta có thể tin  vào  những  giấc  mơ  của  mình  nhưng  chúng  ta  phải  hành  động  để  biến  giấc  mơ ấy thành hiện thực. Trên con đường đi đến thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng.

Xuất thân trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng trung du miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Nam, vừa học xong lớp 9, chị Võ Thị Chút đã phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp cha mẹ. Lớn lên, lập gia đình nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn cứ đeo đuổi chị. Ước mơ xây được ngôi nhà để ở, có chiếc xe máy để đi, con cái được sống sung túc như mọi gia đình đã thôi thúc chị đi tìm lời giải.

Năm 2004, sau khi tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi, tiếp cận thị trường… do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị Chút quyết định khởi đầu sự nghiệp bằng việc nuôi heo theo mô hình chăn nuôi sạch.

Active Image

 

Chị Võ Thị Chút ở Tiên Phước, Quảng Nam đang thu mua nguyên liệu quế (Ảnh: Lan Anh)

Chị nhớ lại: “Lúc đó tôi nuôi lợn sạch, cho chúng ăn theo công thức nên con nào con nấy lớn rất nhanh. Thế nhưng mọi người trong xã không ai tin vào mô hình mới này. Để có cơ hội chia sẻ và giúp đỡ mọi người, tôi đã mở quầy bán thức ăn gia súc, hướng dẫn chị em biết cách chăn nuôi lợn sạch. Sau một thời gian, nhiều người trong xã tìm đến học hỏi, có chị bảo là chồng không cho nuôi vì không tin, vậy là cả vợ lẫn chồng dẫn đến nhà tôi để tận mắt chứng kiến mô hình chăn nuôi mới. Tiếng  lành  đồn  xa,  ngày  nào  đi  làm  đồng  về  cũng  có  nhiều  chị  em  ghé  vào  tham  quan chuồng trại chăn nuôi lợn sạch của chị; nhiều hộ đã đầu tư làm theo.”

Huyện Tiên Phước, nơi chị sinh sống là một trong những vùng đất trồng quế nổi tiếng tại Quảng Nam với giống quế bản địa có mùi thơm đặc trưng nổi tiếng. Vốn nhanh nhẹn, lại mạnh dạn, chăm chỉ, chị bàn với chồng lấy tiền lãi từ chăn nuôi lợn sạch, vay thêm Ngân hàng Chính  sách xã hội 150 triệu đồng, mượn gia đình, bà con, bạn bè gần 200 triệu đồng để đầu tư kinh doanh cơ sở sản xuất bột quế.

Thời gian đầu, sản phẩm làm ra tiêu thụ chủ yếu tại TP Tam Kỳ và huyện Tiên Phước, rồi mở rộng sang tỉnh Quảng Ngãi. Chỉ sau hai năm, chị đã dành dụm và trả xong nợ.

Chị nhận thấy lợi thế của quê hương có nguồn nguyên liệu cây quế dồi dào nhưng các cơ sở sản xuất tại đây mới chỉ dừng lại ở việc chế biến vỏ quế để làm bột, còn lá quế vẫn chưa được tận dụng. Tình cờ, biết có người chở lá và nhánh quế đi bán cho một cơ sở làm hương ở huyện Thăng Bình, chị đã nảy ra ý tưởng sẽ giúp bà con trong xã có thể sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu nhánh và lá quế - những thứ mà lâu nay họ coi như “rác” bỏ đi hoặc làm chất đốt.

Như đang hạn hán gặp mưa rào, những trăn trở của chị đã tìm được hướng đi: năm 2013, khi tham gia hoạt động "Ngày Phụ nữ sáng tạo" do Hội LHPN tỉnh tổ chức, chị được nghe hai đại biểu đến từ huyện Thăng Bình trao đổi về cách làm hương trầm, nhưng khó khăn  nhất hiện nay là thiếu nguyên liệu đầu vào, đó là bột quế. Chị chủ động tiếp cận và nhận cung cấp bột quế cho họ. Vui nhất là họ chấp nhận thu mua bột quế làm từ nhánh và lá quế.  Tìm được đầu ra cho bột quế, chị bắt đầu thu mua nhánh và lá quế, mở rộng địa bàn thu mua ở một số huyện như Quế Sơn, Hiệp Đức, Phước Sơn. 

Chị tâm sự: “Tuy công việc vất vả nhưng tôi thấy rất vui và hạnh phúc vì ý tưởng kinh doanh của mình đã thành hiện thực. Vào mùa, từ tháng 2 đến tháng 7, sau khi mua về là phơi khô, tại nhà tôi lúc nào cũng có 12 nhân công chuyên làm việc này.” 

Lúc đầu, cơ sở sản xuất bột quế của chị Chút sản xuất từ 20 - 30 tấn/năm, nhưng đến nay mỗi năm sản xuất gần 400 tấn bột quế và 50 tấn quế chi (phiến) làm thuốc bắc và quế vỏ. Hiện nay, cơ sở của chị đã giải quyết công  ăn  việc  làm  cho  6  lao  động  thường  xuyên  với  mức  thu  nhập  từ  3  -  5 triệu đồng/người/tháng và 100 lao động nữ lúc nông nhàn sau mùa vụ, đó là thu nhặt lá quế ngay trên mảnh vườn của mình, mỗi kg lá quế có giá từ 5.000 đến 7.000 đồng tùy theo lá khô hay vàng. Sau khi trừ tất cả chi phí, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 400 triệu đồng.

Hiện tại, đã có hơn 20 cơ sở lớn, nhỏ hợp tác  kinh  doanh  với  chị Chút,  đặc  biệt  là  6  cơ  sở  lớn  ở  Bình  Định,  Quảng  Ngãi,  Hà  Nội,  TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng. Từ đó, chị mạnh dạn đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình.  

Chị Chút cười tươi bảo: “Có lẽ thành công nào cũng bắt đầu từ những khó khăn nếu như mình không tự nỗ lực phấn đấu. Niềm vui lớn nhất của tôi bây giờ là đã giải quyết được đầu ra cho cây quế của bà con nông dân và giữ được thương hiệu đặc trưng của cây quế Tiên Phước.”

Năm 2014, chị được bầu làm Chủ nhiệm Tổ hợp tác kinh doanh các sản phẩm từ quế, đã tạo thêm sức mạnh liên kết, chia sẻ thông tin thị trường và giá cả, đầu ra ổn định cho sản phẩm bột quế quê hương.

Xuất thân từ gia đình nghèo khó, hơn ai hết, chị Chút thấu hiểu rõ tình cảnh của những phụ nữ khó khăn. Do đó, dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng chị luôn quan tâm, giúp đỡ và hỗ trợ các chị em, tạo điều kiện làm  ăn, phát triển  kinh tế gia đình cho họ bằng việc cho vay tiền không lấy lãi, cho mượn đất trồng cây…

Thành công của chị Chút không chỉ mang lại hạnh phúc cho chính bản thân chị và gia đình mà đã góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho lao động nữ tại địa phương, góp phần đưa Cuộc  vận động “Xây  dựng  gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc đi vào đời sống hiệu quả, thiết thực.

 Năm 2014 chị được công nhận là  hộ  sản  xuất,  kinh  doanh  giỏi  cấp  tỉnh; năm  2015  được  nhận  Bằng  khen  của  Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam;  được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng Bằng khen  "Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" (2010 - 2015).

Hưng Vũ