TĐKT – Sáng 19/10, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Chi hội Nhà văn Công an, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp tổ chức buổi gặp mặt giới thiệu cuốn tiểu thuyết Núi Mẹ của tác giả Nguyễn Đức Nguyên.
Gặp mặt giới thiệu cuốn tiểu thuyết Núi Mẹ của tác giả Nguyễn Đức Nguyên
Là một cựu tử tù hình sự, sau gần 20 năm thi hành án, được Chủ tịch Nước đặc xá năm 2015, với khát vọng tri ân cuộc đời, tác giả Nguyễn Đức Nguyên (quê Nam Trực, Nam Định, lớn lên tại thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) đã viết cuốn sách tiểu thuyết đầu tay mang tên "Núi Mẹ", có dung lượng hơn 400 trang (khổ sách 16 x 24cm) mang đậm chất sử thi về vùng đất xứ Lạng, giai đoạn trước năm 1945... Nhà văn Đặng Vương Hưng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là người tổ chức bản thảo và giới thiệu cuốn sách này.
Tiểu thuyết viết về cuộc sống của những người con dân tộc sống trong các bản làng nơi Núi Mẹ - Mẫu Sơn hùng vĩ, thời kì trước Cách mạng. Họ đã bị bọn quan lại, địa chủ, cường hào ác bá cấu kết với thực dân Pháp bóc lột đến tận xương tủy, cướp hết ruộng nương, nhà cửa..., dồn họ vào đường cùng, phải trốn lên núi làm cướp. Được những người Cách mạng cảm hóa, giác ngộ, họ đã trở thành những chiến sĩ du kích kiên trung, vùng lên chống lại quan binh, thực dân Pháp và bè lũ tay sai, giành lại cuộc sống độc lập, tự do.
Tác phẩm phản ánh tình yêu thiên nhiên, tình yêu đôi lứa, tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân, phản ánh cuộc chiến đấu bền bỉ giữa thiện và ác, giữ tốt và xấu, phản ánh cuộc chiến đấu sinh tồn của con người trước thiên nhiên hoang dã.
Bìa cuốn tiểu thuyết Núi Mẹ
Nói về cuốn tiểu thuyết, Nhà văn Đặng Vương Hưng nhận định: mặc dù là tiểu thuyết đầu tay của một cây bút non trẻ, nhưng Núi Mẹ thấm đẫm chất sử thi về một vùng đất nổi tiếng anh hùng của tỉnh Lạng Sơn… Có thể nhận ra những trang viết thấm đẫm tình yêu con người, thiên nhiên của miền đất Xứ Lạng. Với cảm hứng biết ơn và tri ân vùng đất đã sinh ra nuôi mình trưởng thành, Nguyễn Đức Nguyên đã dày công dựng lại lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ và hào hùng của quân dân vùng biên ải. Điều ấy chứng minh người cựu tử tù hình sự này có tình yêu nồng cháy với mảnh đất biên cương nơi gia đình anh sinh sống. Có thể, những trang viết của anh chưa đạt tới chuẩn mực văn học nghệ thuật, nhưng giá trị của nó, theo tôi, đã vượt qua một cuốn sách thông thường bởi nó chuyển tải thành công một thông điệp nhân văn: dù con người ta có thể gây ra tội lỗi, sai lầm tới đâu, nhưng sau khi đã chịu sự trừng phạt của pháp luật, được Nhà nước ân xá, thì khi họ trở về, hòa nhập với cộng đồng và xã hội, vẫn có thể đóng góp những điều tốt đẹp, trong khả năng của mỗi người.
Tác giả Nguyễn Đức Nguyên được phát hiện trong một cuộc thi viết do Tổng cục VIII (Bộ Công an) tổ chức dành cho phạm nhân có tên là “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”. Dù tác phẩm của anh nộp muộn, không được chấm giải, nhưng trong thư gửi Ban tổ chức, anh đề đạt nguyện vọng viết tiểu thuyết lịch sử. Những trang tiểu thuyết Núi Mẹ của anh được “thai nghén” từ những ngày tháng trong tù.
Sau khi Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hiện tác giả này, đã đề xuất Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an để Nguyên tham gia trại viết cuộc thi Cây Bút Vàng lần thứ 2 được tổ chức tại Hải Phòng. Chính những ngày tháng ở trại viết, cùng sự giúp đỡ của Ban Tổ chức, các hội viên là các nhà văn đã thành danh, Nguyên đã hoàn thành tác phẩm Núi Mẹ.
Phương Thanh