TĐKT - Thời gian qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng đã trở thành một phong trào thiết thực, thu hút đông đảo các tầng lớp nông dân tỉnh Hậu Giang. Từ phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương nữ nông dân vượt khó, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đi lên từ hai bàn tay trắng
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, bà Đào Thị Thúy, ở khu vực 6, phường III, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trở thành tấm gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở địa phương, đi đầu về mô hình trồng lúa, trồng màu và cây ăn trái.
Bà Đào Thị Thúy bên vườn ổi của gia đình
Từ lúc mới lập gia đình, không có gì trong tay, vợ chồng bà phải mướn đất để canh tác, làm ăn sinh sống. Thời điểm đó, mùa màng thất bát, giá cả bấp bênh, vợ chồng bà hàng ngày dãi nắng, dầm mưa, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng cái nghèo luôn đeo bám. Hai đứa con bà lần lượt ra đời, khó khăn lại chồng chất thêm.
Với tố chất không ngại khó khăn, vất vả, không chấp nhận số phận, vợ chồng bà Thúy làm mọi việc từ trồng lúa, trồng màu, làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Với phương châm “lấy công làm lời”, có được bao nhiêu vốn, vợ chồng bà dồn hết cho việc mượn đất, thuê đất. Và cứ thế năm này qua năm khác, dần dần vợ chồng bà tích lũy được vốn, mua đất thêm để canh tác.
Sau nhiều năm tích góp, đến nay gia đình bà đã có 4 công đất ruộng, 2 công đất trồng màu và 2 công đất trồng cây ăn trái. Để tăng năng suất, chất lượng, bà đã mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng mô hình “3 giảm, 3 tăng”, sử dụng giống chất lượng cao… nên năng suất lúa bình quân đạt từ 7 tấn/ha trở lên. Riêng 2000 m2 vườn ổi đang cho trái, mỗi năm thu hoạch được 4 đợt. Với 2000 m2 đất trồng màu, bà trồng luân phiên nhiều loại cây: cải tùa sại, rau muống, cải xanh, dưa leo, khổ qua, rau mồng tơi … Vườn rau đạt năng suất cao, mỗi năm, bà thu hoạch được 3 vụ.
Mỗi năm lợi nhuận từ trồng lúa, trồng cây ăn trái và rau màu, trừ chi phí gia đình bà thu được trên 150 triệu đồng, đời sống gia đình khá ổn định. Giờ đây bà Thúy đã có kinh tế vững vàng, một cuộc sống gia đình sung túc. Các con của bà đều đã lập gia đình và có cuộc sống riêng.
Không chỉ thế, bà còn nhiệt tình hướng dẫn nông dân địa phương trong sản xuất để thoát nghèo. Gia đình bà cũng gương mẫu thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hưởng ứng cùng địa phương xây dựng phường văn minh đô thị.
“Có được kinh tế ổn định như hiện nay, tôi và gia đình đã không ngừng lao động, học hỏi thêm cách thức sản xuất, kỹ thuật trồng trọt, đồng thời tích lũy kinh nghiệm” – Bà chia sẻ.
Gồng gánh nuôi con, thoát nghèo bền vững
Chồng bị bệnh nặng qua đời để lại 3 đứa con nhỏ dại, một mình phải gồng gánh để nuôi dạy con, với bản tính chịu thương, chịu khó, chị Ngô Thị Dùm ấp Long Hoà 2, xã Long Phú, huyện Long Mỹ đã từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ thực hiện mô hình phát triển kinh tế gia đình.
Chị Dùm chăm sóc đàn heo của gia đình
Những năm đầu, gia đình gặp rất nhiều khó khăn bởi kinh tế quanh năm chỉ trông chờ vào mấy công ruộng. Chị luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để phát triển kinh tế, tạo điều kiện nuôi các con khôn lớn. Năm 2007, chị đăng ký tham gia vào hội phụ nữ và được hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế gia đình. Với số tiền 10 triệu đồng, chị đã xây dựng chuồng để nuôi một con heo nái.
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm chăn nuôi và ít vốn, chị gặp rất nhiều khó khăn. Chị đã tự tìm tòi, học hỏi qua ti vi, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương tổ chức để tích lũy kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, chị còn tận dụng đất xung quanh nhà để trồng các loại cây: bầu, mướp, cải… để bán cho bà con xung quanh. Chị chia sẻ: “Nhờ Hội phụ nữ, các đoàn thể quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay vốn mở rộng chăn nuôi, từ đó tôi học hỏi cách làm ăn ở những chị em hội viên khác để áp dụng cho gia đình nên có hiệu quả, thu nhập cũng ổn định hơn trước kia”.
Đàn heo của gia đình chị nay đã có 5 heo nái và 100 con heo thịt. Một năm chị cho xuất bán 2 lứa heo thịt. Mỗi năm gia đình chị thu về lợi nhuận gần 150 triệu đồng từ tiền bán heo và bán rau màu.
Khi điều kiện kinh tế ổn định, chị đã sắm sửa các vật dụng thiết yếu phục vụ gia đình, đầu tư cho con cái ăn học. Năm 2013, chị Dùm thoát nghèo và xây dựng căn nhà khang trang với trị giá trên 200 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn là một hội viên rất tích cực, nhiệt tình trong các phong trào của Chi hội, Hội Phụ nữ xã và các phong trào tại địa phương. Với chị em hội viên phụ nữ, chị nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất và luôn nhận được sự tín nhiệm của chị em trong nhóm.
Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, bà Đào Thị Thúy, chị Ngô Thị Dùm đã trở thành những tấm gương sáng trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Hậu Giang, góp phần phát triển kinh tế địa phương, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Trang Lê