TĐKT - Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, sáng 14/10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Công ty Cổ phần FECON tổ chức Hội thảo với chủ đề “Sạt lở đất – Lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững”. Hội thảo có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan cùng nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài.
Những ngày gần đây, thông tin về mưa bão, sạt lở đất, lũ quét đang diễn ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đang thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Có thể nói, trận mưa lũ lịch sử này đã và đang để lại hậu quả vô cùng to lớn về người và của.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đinh Quế Hải phát biểu khai mạc hội thảo
Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở, làm chết và mất tích hơn 646 người, hơn 9700 ngôi nhà bị hư hỏng, nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại, thiệt hại về kinh tế ước tính trên 3300 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra từ ngày 10/10 vừa qua, đã có gần 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên hơn 100 người.
Tại Hội thảo, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cho các nhà lãnh đạo, các bộ, ban, ngành liên quan để làm thế nào có thể làm giảm thiểu hậu qua do sạt lở đất, lũ quét gây ra. Đặc biệt, việc phòng, chống sạt trượt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Khi sạt trượt, người có thể chạy, nhưng nhà cửa, đường sá, di tích, công trình… không thể di chuyển được. Bởi vậy, bên cạnh việc lập quy trình cảnh báo và sơ tán, cần xử lý nguyên nhân gây sạt - trượt và gia cố chống lại việc gây sạt - trượt bằng các giải pháp công nghệ mang tính bền vững. Đây cũng chính là những vấn đề nóng sẽ được bàn luận trực tiếp tại Hội thảo.
Hàng chục giải pháp công nghệ phòng, chống và cảnh báo sạt lở đã được các chuyên gia trong nước và quốc tế giới thiệu tại buổi hội thảo. Trong đó, đáng chú ý là công nghệ sử dụng lưới thép cường độ cao bao phủ toàn bộ bề mặt khối sạt trượt, có sức chịu tải lên tới hàng chục tấn và độ bền hàng trăm năm.
Công nghệ sử dụng cọc bê tông gia cường nền móng cho các khối sạt trượt cũng được các chuyên gia đánh giá cao bởi phù hợp với nhiều điều kiện địa hình tại Việt Nam. Những công nghệ này cũng đã được thử nghiệm tại Hà Giang và Hòa Bình, thu được kết quả tốt. Những giải pháp hữu hiệu sẽ được Ủy ban Dân tộc phối hợp với các Bộ ngành trình Chính phủ để sớm triển khai trong thời gian tới.
Bên cạnh các bài tham luận, phân tích của các nhà khoa học Việt Nam, Hội thảo còn có sự tham dự của Công ty Okuyama Boring và Nippon Steel & Sumikin Metal đến từ Nhật Bản.
Các chuyên gia đến từ hai công ty trên sẽ chia sẻ về thảm họa tại Nhật Bản, đặc biệt là những thiệt hại và chi phí cho việc phòng, chống, khắc phục hậu qua do sạt lở đất và lũ quét tại đất nước này.
Ngoài ra, tại Hội thảo, Okuyama Boring và Nippon Steel & Sumikin Meta cũng đề xuất một số giải pháp công nghệ cho việc cảnh báo và xử lý sạt trượt như gia cố mái dốc, làm kết cấu tường chắn, hàng rào chống lũ… hiện đang được áp dụng khá thành công tại Nhật Bản.
Phương Linh