TĐKT – Chiều 11/10, tại Hà Nội, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu về Giải thưởng “Cây Chổi Vàng”, góp phần tôn vinh những công nhân vệ sinh môi trường, những người lao động vất vả, thầm lặng trong xã hội.
Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam Đặng Vương Hưng cho biết: với nguồn kinh phí từ hoạt động xã hội hóa, giải thưởng được hy vọng sẽ góp phần xây dựng “Môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc”.
TS. LS Đồng Xuân Thụ - Tổng Biên tập và Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng – Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam chủ trì buổi họp báo
Giải thưởng sẽ được tổ chức đề cử, xét chọn và trao giải hàng năm vào dịp cận Tết Nguyên đán năm 2018. Theo đó, Ban tổ chức sẽ trao 40 giải thưởng có giá trị cho 40 gương mặt tiêu biểu, bao gồm: 10 giải khuyến khích (trị giá mỗi giải 1 triệu đồng và túi quà Tết); 20 “Cây chổi Bạc” (trị giá mỗi giải 1 đồng bạc trắng và 2 triệu đồng); 9 “Cây chổi Vàng” (trị giá mỗi giải 01 chỉ vàng 9999 và túi quà Tết); 1 “Cây chổi Kim cương” (trị giá 1 cây vàng (lượng) 9999 và túi quà Tết).
Trước mắt, việc đề cử “Cây chổi vàng” 2017 sẽ do các BCH Công đoàn cơ sở các Công ty Môi trường Đô thị; các Khu đô thị, Khu công nghiệp, Khu chế xuất; Liên đoàn lao động địa phương và các đơn vị cơ sở có công nhân vệ sinh môi trường và báo chí đề cử. Sự kiện trao giải sẽ được tổ chức vào dịp cận Tết Nguyên Đán 2018.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề cấp bách ở mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó, việc bảo vệ môi trường không chỉ của các cơ quan chuyên ngành, mà còn là trách nhiệm của từng người dân trong xã hội. Một trong những vấn đề chủ yếu của môi trường đó là “rác”. Rác liên quan trực tiếp tới sự phát triển của con người cả về công nghệ và xã hội. Và mỗi ngày, góp phần vô cùng quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường là những con người với công việc thầm lặng, đó là những công nhân vệ sinh môi trường.
Với ngành nghề xã hội, họ được gọi là “công nhân vệ sinh môi trường” hay còn theo cách dân dã thì đó là những “người quét rác”. Lặng thầm với công việc của mình, họ thức khuya, dậy sớm, không quản nhọc nhằn, chẳng nề hà bụi bặm, hôi hám để dọn dẹp, gìn giữ cho môi trường… Phố phường sạch sẽ thì mồ hôi của những người công nhân vệ sinh đổ xuống mặt đường lại càng nhiều.
Đời sống đô thị từ thành phố đến nông thôn không thể một ngày nào thiếu vắng những anh, chị công nhân vệ sinh môi trường. Người dân ai cũng biết họ, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu và đồng cảm với đặc thù nghề nghiệp này. Hàng ngày, các công nhân môi trường phải tiếp xúc với hàng trăm thứ rác thải, nhiều loại rác trong số đó là chất thải nguy hại ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Đó là chưa kể ô nhiễm tiếng ồn, không khí… Vì thế, tỷ lệ công nhân môi trường bị mắc bệnh về đường hô hấp rất lớn, lên đến 80%.
Nguy cơ bị tai nạn giao thông của những người quét rác do người điều khiển phương tiện giao thông trên đường gây ra cũng rất cao. Thậm chí, cũng do phải làm việc đêm, đơn lẻ, nên nhiều người còn bị cướp giật, hành hung; công nhân nữ còn có khả năng bị kẻ xấu tấn công tình dục…
Vất vả là thế, nhưng những công nhân vệ sinh môi trường vẫn có những niềm vui giản dị và thầm lặng của mình; đó là trực tiếp góp phần làm cho các đô thị trở nên sáng - xanh - sạch và đẹp hơn. Dù ẩn sau những niềm vui bình dị và nhỏ bé đó, họ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và hiểm nguy.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời dạy rất hay dành cho những công nhân vệ sinh môi trường: “Người nấu bếp, người quét rác, cũng như thầy giáo, kỹ sư, nếu làm tròn trách nhiệm thì đều vẻ vang như nhau”. Người nhấn mạnh: “Dù làm công việc quét rác hay moi cống cũng đều là công việc vẻ vang. Có nhận thức thế mới đúng. Thế là bất kỳ công việc nào có ích nước lợi dân, có ích cho đồng bào, có ích cho xã hội đều vẻ vang. Không có việc nào sang, công việc nào hèn”…
Mai Thảo