TĐKT - Sáng 12/10, tại Hà Nội, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức Hội thảo "Phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu" với sự tài trợ của Act!onaid Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết Hội thảo này được tổ chức với mục đích: đóng góp vào việc thống nhất về nhận thức, về phát triển nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao và bền vững trước tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); ở mức độ nào đó nêu lên thực trạng, thuận lợi và thách thức đối với ngành nông nghiệp; chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH của Việt Nam và quốc tế; đề xuất một số giải pháp có thể đối với việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững thích ứng với BĐKH.
Hội thảo cũng xác định vai trò, sự tham gia của các tổ chức nhân dân và tổ chức phi chính phủ Việt Nam và quốc tế, doanh nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ, trong việc phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với BĐKH.
Toàn cảnh Hội thảo
GS. Viện sĩ Trần Đình Long khẳng định: là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, mỗi năm thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng do hậu quả của biến BĐKH, Việt Nam coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những hành động quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng phát triển Nông nghiệp theo hướng bền vững, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển nhanh, bền vững”. Hiện nay các nước đều nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó Việt Nam rất cần tranh thủ những tiến bộ khoa học công nghệ mới để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững trong các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.
Tuy nhiên, GS. Trần Đình Long cũng chỉ rõ: nông nghiệp nước ta hiện nay phát triển còn kém bền vững, năng lực thích ứng, đối phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất.
Trong tình hình như vậy, Việt Nam cần có những bước phát triển phù hợp. Từng thời điểm, cần có mục tiêu cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm… vấn đề quan trọng là xác định rõ vai trò của nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và những tổ chức dân sự.
Phương Thanh