TĐKT – Sáng 11/10, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới và Nghị quyết 11 – NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Hội nghị, Công đoàn Than – Khoáng sản đã biểu dương 43 tập thể tiêu biểu trong thực hiện Luật bình đẳng giới; 8 cá nhân thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam được Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng kỷ niệm chương Vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Qua 10 năm thực hiện Luật bình đẳng giới và Nghị quyết 11, trong Tập đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức, tư tưởng của cán bộ, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được nâng cao. Sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử của phụ nữ trong mỗi gia đình và từng cơ quan, đơn vị đã có những chuyển biến rõ rệt.
Những tập thể tiêu biểu trong thực hiện Luật bình đẳng giới được Công đoàn Than – Khoáng sản tặng Bằng khen
Việc triển khai tuyên truyền về công tác bình đẳng giới đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn thể cán bộ CNVCLĐ trong toàn tập đoàn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nhận thức trong thực hiện bình đẳng giới; từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, góp phần hoàn thiện hiệu quả các chỉ tiêu chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới của Chính phủ giai đoạn 2011- 2020.
Việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự đồng thuận và ủng hộ của cả hệ thống chính trị và cán bộ CNVCLĐ. Tỷ lệ nữ giới tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tăng lên, qua đó việc thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được đánh giá hiệu quả.
8 cá nhân được tặng kỷ niệm chương Vì sự tiến bộ của phụ nữ
Các cấp ủy Đảng trong Tập đoàn đã xác định việc đổi mới và tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ nhằm mục tiêu thực hiện đường lối giải phóng phụ nữ của Đảng, tạo khả năng và điều kiện để nữ CNVCLĐ ngành Than - Khoáng sản không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp, vị trí, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần, đóng góp năng lực trí tuệ của mỗi người trong sự phát triển của xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của gia đình.
Nội dung công tác vận động nữ CNVCLĐ và công tác cán bộ nữ đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nữ CNVCLĐ, đồng thời thông qua công tác vận động nữ CNVCLĐ đã nâng cao được vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.
Hệ thống tổ chức công đoàn các cấp trong Công đoàn Than – Khoáng sản đã chủ động đề xuất, tổ chức thực hiện việc vận động nữ công nhân, lao động và công tác cán bộ nữ, quán triệt trong các nội dung hoạt động của công đoàn và các ban chuyên đề. Trong đó Ban Nữ công là đầu mối tham mưu đề xuất giúp Ban thường vụ, Ban chấp hành xây dựng chương trình và chỉ đạo thực hiện công tác vận động nữ CNVCLĐ, công tác cán bộ nữ.
Từ kết quả thực hiện Nghị quyết 11, tạo niềm tin và động lực cho phong trào nữ CNVCLĐ toàn Tập đoàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Mai Thảo