TĐKT - Nhằm tìm hiểu và đẩy mạnh hơn nữa xu thế ứng dụng công nghê trí tuệ nhân tạo vào công tác khám, chữa bệnh, nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ cho người dân, ngày 23/9, Cục Công nghệ Thông tin – Bộ Y tế đã phối hợp với Tập đoàn IBM, công ty Five9 Việt Nam và Bệnh viện K tổ chức Hội thảo “Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh” tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút được sự chú ý của hàng trăm bác sĩ, cán bộ công nghệ thông tin và lãnh đạo các bệnh viện khắp cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin– Bộ Y tế cho rằng, thế giới hiện đang thay đổi từng ngày, y tế đang ngày càng nhận được những sự hỗ trợ đắc lực từ Công nghệ thông tin như dữ liệu số lớn, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh…
Để bắt kịp con tàu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải tiến hành từ những bước nhỏ. Dự kiến, từ ngày 1/1/2018, tất cả các bệnh viện sẽ triển khai bệnh án điện tử, nhằm đồng bộ hoá nguồn dữ liệu, tạo tiền đề cho các ứng dụng công nghệ thông tin khác.
Toàn cảnh hội thảo
Công nghệ nổi bật nhất được giới thiệu tại Hội thảo “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh” là công nghệ Watson for Oncology, công nghệ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư trên nền tảng Điện toán biết nhận thức của IBM.
Với khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên và các dữ liệu phi cấu trúc, cùng với cơ sở dữ liệu về ung thư khổng lồ được nhập bởi các đơn vị y tế chuyên về ung thư trên thế giới, Watson for Oncology có khả năng đọc và phân tích hàng chục triệu dữ liệu khác nhau để đưa ra gợi ý điều trị với xác suất thành công lớn nhất cho các bác sĩ. Với sự hỗ trợ của Watson for Oncology, các bác sĩ chuyên khoa ung thư Việt Nam có thể tham khảo rất nhiều tài liệu y khoa khác nhau, các bằng chứng về những ca bệnh tương tự và các phác đồ điều trị tham khảo được đánh trọng số theo tình trạng sức khoẻ cụ thể của bệnh nhân.
Ông Eric CW Yeo, Tổng Giám đốc tập đoàn IBM Việt Nam cho biết, Watson for Oncology đã được đào tạo bởi các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) của Mỹ trong 5 năm. Cùng với cơ sở dữ liệu khổng lồ được bổ sung thường xuyên, những gợi ý điều trị mà hệ thống này đưa ra đạt được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia ung thư, đặc biệt là ung thư vú (90%). Hiện Watson for Oncology đã được triển khai ở Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Slovakia, Trung Quốc. Mục tiêu của IBM và Five9 là sớm triển khai công nghệ này ở Việt Nam để bổ sung một công cụ đắc lực hỗ trợ các bác sĩ trong cuộc chiến chống ung thư cam go ở Việt Nam hiện nay.
Công nghệ mới này đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều chuyên gia về ung thư tham gia Hội thảo. Các chuyên gia cũng bày tỏ những băn khoăn về việc tích hợp hệ thống tại Việt Nam, những thách thức trong việc áp dụng do quy chuẩn về thông tin đầu vào của Việt Nam và thế giới khác nhau, ngôn ngữ khác nhau… Phía IBM và Five9 cho biết họ đã có lộ trình cụ thể cho việc ứng dụng công nghệ tại Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả và mức độ tối ưu của công nghệ.
Cục trưởng Trần Quý Tường kết luận buổi Hội thảo bằng khẳng định, việc phát triển trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong các ứng dụng của ngành y tế, là việc không thể chần chừ, vì đó là xu thế tất yếu của thời đại và nó có thể hỗ trợ rất nhiều trong công tác chẩn đoán điều trị.
Ông cũng gợi ý việc thành lập một phòng khám theo yêu cầu ứng dụng công nghệ Watson for Oncology tại các bệnh viện đầu ngành để đánh giá mức độ khả thi và tính hiệu quả của công nghệ. Ông cũng mong muốn việc áp dụng công nghệ này ở Việt Nam cũng được thực hiện theo mô hình ở Hàn Quốc, đó là Watson for Oncology tham gia hội chẩn như một bác sĩ, đưa ra những ý kiến khách quan, trung thực và không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến khác, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bệnh nhân.