TĐKT – Sáng 26/9, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Công ty TNHH Bayer tổ chức Hội thảo về Lợi ích tránh thai, hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới với chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta”.
Dự Hội thảo có: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, đại diện 10 bộ, ngành, đoàn thể trung ương, 15 Chi cục DS – KHHGĐ các tỉnh, thành phố gần Hà Nội, Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đại diện đoàn viên, thanh niên, chị em phụ nữ của Hà Nội, các tổ chức quốc tế.
Hội thảo về Lợi ích tránh thai, hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới
Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức cho cộng đồng về nguyên nhân của việc mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, lợi ích của việc tránh thai…, đồng thời, kêu gọi sự quan tâm và nhiều nỗ lực hơn nữa của các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.
Ngày 26/9/2007, Ngày tránh thai thế giới được tổ chức lần đầu tiên tại Châu Âu, có ý nghĩa như một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích tất cả mọi người chủ động hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Mục tiêu của Ngày tránh thai thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các BPTT, giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.
Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Ngày tránh thai thế giới, tại Hội thảo, Tổng cục DS – KHHGĐ, Bộ Y tế cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã đưa ra các thông tin hữu tích về tình hình thực hiện KHHGĐ và nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) tại Việt Nam; thực trạng phá thai trên thế giới và tại Việt Nam; lợi ích của việc tránh thai; công tác tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai (PTTT) tại Việt Nam.
Hiện nay, dân số Việt Nam là khoảng 93 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2% năm 1993 đã giảm xuống còn 1,08% năm 2016. Theo Tổng cục Thống kê, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 – 49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Tỷ lệ sử dụng BPTT năm 2016 là 77,6%, trong đó, tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 66,8%.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết: tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á.
Trong đó, vị thành niên, thanh niên là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục. Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên và thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến. Tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh vào lợi ích của việc phòng, tránh thai. Việc phòng, tránh mang thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình: chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Đồng thời, tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, phòng, tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Việc phòng, tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều, từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn; nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản.
Nhằm hưởng ứng chủ trương kêu gọi xã hội hóa về dịch vụ và phương tiện tránh thai cộng đồng, tại Hội thảo, ban tổ chức đã ký kết thực hiện “Chương trình truyền thông KHHGĐ vì sức khỏe cộng đồng” giai đoạn 2018 – 2020. Theo kế hoạch, Chương trình sẽ được triển khai với các hoạt động nổi bật: đào tạo nâng cao vốn hiểu biết về các biện pháp và dịch vụ tránh thai hiện đại, xây dựng các ứng dụng điện tử để tạo diễn đàn kết nối và cung cấp thông tin cho cộng đồng, cán bộ dân số và chị em; xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền tiêu chuẩn để cung cấp thông tin chuyên môn chính xác và cập nhật nhất cho các cán bộ dân số tại địa phương; tổ chức các ngày hội tư vấn và kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ…
Bình Nguyên