Hiệu quả từ mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ 3 ở Kon Tum
19/09/2017 - 15:44

TĐKT- Với phương châm “Sinh ít con để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, nhiều năm qua, toàn tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện tốt mô hình câu lạc bộ (CLB) không sinh con thứ 3 trở lên, qua đó góp phần tích cực việc nâng cao chất lượng dân số.

Đến nay, Kon Tum có 56 CLB không sinh con thứ 3 trở lên, trong đó mỗi huyện, thành phố có 6 CLB, riêng huyện Sa Thầy và huyện Đăk Hà có 7 CLB.

Ông Võ Thành, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) tỉnh Kon Tum cho biết, trước năm 2012 tình trạng mất cân bằng giới khi sinh ở tỉnh tương đối cao. Đây là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng đến cơ cấu dân số và hệ lụy cho xã hội trong tương lai. Do đó, ngành dân số tập trung triển khai Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, chú trọng xây dựng CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên.

Hàng quý, trong những buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm các CLB đã phối hợp với Chi hội phụ nữ tuyên truyền vấn đề chăm sóc sức khoẻ sinh sản, biện pháp KHHGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình...Trong 5 năm (2012-2016) các CLB đã tổ chức được 3.360 lượt sinh hoạt với 32.634 lượt người tham dự. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, Chi cục đã tổ chức 389 buổi tuyên truyền nhóm, với hơn 6.500 người tham gia; thực hiện vận động 1.027 hộ gia đình, duy trì có hiệu quả hoạt động của các CLB không sinh con thứ 3.

Cũng theo ông Thành, tham gia CLB, chị em có thể trao đổi kinh nghiệm cuộc sống gia đình cũng như công việc lao động sản xuất, phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phòng ngừa dịch bệnh cho người và đàn gia súc. CLB xây dựng được nguồn quỹ do các thành viên đóng góp để tạo nguồn kinh phí duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động. Đồng thời nguồn quỹ này cũng được sử dụng để hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn cần vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

 
Một buổi sinh hoạt tuyên truyền tại gia đình hội viên

Ngoài ra, ở một số CLB còn có thành viên là nam giới tham gia sinh hoạt. Do đó ngày càng có nhiều nam giới nhận thức tốt hơn về vai trò của mình trong thực hiện KHHGĐ, có thể thoải mái trao đổi những thông tin về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, cách đối nhân xử thế trong gia đình và có cái nhìn đúng đắn về vấn đề dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ để có thể cảm thông và chia sẻ với vợ mình. Với nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng, các CLB đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, từ 945 hội viên năm 2012 tăng lên 2.960 hội viên năm 2016.

Thôn Đăk Tăng (Ngọc Tụ, Đăk Tô) là một trong những địa phương thực hiện hiệu quả mô hình CLB phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên. Hiện nay, ở Đăk Tô đã không còn phụ nữ sinh con thứ 3.  Chị Bùi Thị Hằng – cán bộ phụ trách KHHGĐ (Trạm Y tế xã Ngọc Tụ) phấn khởi: “Từ chỗ mỗi người, mỗi gia đình nâng cao ý thức tự giác thực hiện KHHGĐ, góp phần làm nên thành tích chung của thôn –không có người sinh con thứ 3. Điều đáng nói hơn, các cán bộ làm công tác dân số, lãnh đạo thôn không phải đi sâu can thiệp một trường hợp nào có ý định sinh con thứ 3.”
Hay như thôn Đăk Ung (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei), toàn thôn có 110 hộ với 450 nhân khẩu nhưng không có hộ nào có người sinh con thứ 3 trở lên. Các cặp vợ chồng trẻ đều tự giác sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Những phụ nữ trẻ ở Đăk Nhoong bây giờ đều rất cởi mở, tự tin khi nói về vấn đề mà trước đây vốn được coi là tế nhị này
 
Những hoạt động tích cực, hiệu quả của các CLB không sinh con thứ 3 trở lên ở Kon Tum thể hiện rõ qua tỷ lệ giảm sinh, nhất là tỷ lệ sinh con thứ 3. Đến nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Kon Tum là 20%. Nhiều địa phương nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Với nhiều hoạt động thiết thực, các CLB không sinh con thứ 3 ở Kon Tum đã góp phần thực hiện công tác DS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.
 
Thu Hoài