Những mốc son lịch sử của ngành Thi đua - Khen thưởng (Kỳ 3): Thi đua, khen thưởng đón làn gió Đổi Mới
15/09/2017 - 12:17

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986 xác định, đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực. Trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, coi đây là tiền đề bảo đảm thực hiện công cuộc đổi mới. Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết chặt chẽ chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ra sức phát huy những thành tựu đã đạt được, dũng cảm phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực, tạo ra những tiến bộ mới trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội…  Điều đó đặt ra yêu cầu đối với công tác thi đua, khen thưởng cũng cần phải thay đổi để phù hợp với  nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ VI

Ngày 8/12/1987 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 223/HĐBT đổi tên Viện Huân chương thành Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước với nhiệm vụ là cơ quan giúp việc cho Hội đồng Thi đua và Khen thưởng Trung ương về thi đua, khen thưởng.

Để Viện Thi đua và Khen thưởng Trung ương thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời kỳ bắt đầu đổi mới, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 57/HĐBT ngày 05/06/1988  về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Viện Thi đua và khen thưởng Nhà nước.

Theo đó, Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước có chức năng, nhiệm vụ: nghiên cứu để Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định chính sách chế độ, các danh hiệu và hình thức  thi đua, khen thưởng, quyết định việc phân công, phân cấp quản lý xét duyệt và quản lý thi đua và khen thưởng. Hướng dẫn kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách, chế độ ấy.

Kiểm tra, xem xét để trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định hoặc để Hội đồng Bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước quyết định các đề nghị khen thưởng thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bộ trưởng, Hội đồng Nhà nước quyết định. Làm nhiệm vụ thường trực của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương. Quan hệ với các Bộ, Ủy ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, các đoàn thể Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ, và hướng dẫn công tác cho cán bộ thi đua, khen thưởng các ngành, các cấp. Thực hiện việc cấp phát, thu hồi, đổi lại hiện vật thi đua, khen thưởng theo quy định Nhà nước.

Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước có một Viện trưởng và 1 – 2 Phó Viện trưởng giúp việc. Bộ máy giúp việc Viện trưởng có văn phòng và các tổ chuyên viên. Các đồng chí  Nguyễn Mạnh Luật,  Đỗ Văn Thơm,  Cao Kim Hường lần lượt đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Thi đua và Khen thưởng Nhà nước qua các thời kỳ.

Thời kỳ này, công tác thi đua và khen thưởng bộc lộ yếu kém bất cập trước tình hình mới, chưa thành động lực cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân. Trước tình hình trên, ngày 3/6/1998 Bộ Chính trị đã họp và ra Chỉ thị số 35-CT/TW về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới, nội dung chính của Chỉ thị là: “Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của 50 năm qua các cấp ủy đảng cần chỉ đạo tiến hành đổi mới công tác thi đua và khen thưởng trong giai đoạn mới tập trung vào các vấn đề cơ bản như: làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua - khen thưởng; kiện toàn và đổi mới tổ chức - cán bộ của các cơ quan tham mưu thi đua - khen thưởng, đổi mới nội dung và hình thức thi đua - khen thưởng, quy trình phát hiện, xem xét, lựa chọn, phong tặng các danh hiệu thi đua và những vấn đề có liên quan tới việc khen thưởng như: tiêu chuẩn, danh hiệu, đối tượng khen thưởng”.

Thực hiện chủ trương trên, trong thời gian từ ngày 4 - 5/10/2000, tại Hà Nội đã tổ chức Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI. Đây là Đại hội đầu tiên giai đoạn đổi mới sau một thời gian bị giãn cách lâu nhất trong các kỳ Đại hội. Đại hội biểu dương hàng trăm điển hình tiên tiến tiêu biểu xuất sắc, Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, là những bông hoa tươi thắm nhất đại diện cho hàng triệu bông hoa tiên tiến trong rừng hoa thi đua của cả nước đã tỏa hương thơm, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngày 26/11/2003 Luật Thi đua, Khen thưởng đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua. Việc ban hành Luật Thi đua, Khen thưởng làm cơ sở cho việc tổ chức và hoạt động của công tác thi đua, khen thưởng phát huy vai trò của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thi đua, khen thưởng. Đây là lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật Việt Nam có Luật Thi đua, Khen thưởng và đưa cả hai nội dung thi đua và khen thưởng vào trong cùng một bộ luật thể hiện rõ mối quan hệ biện chứng giữa thi đua và khen thưởng.

Phương Thanh