BTĐKT - Nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong khu vực công, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính và tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, ngày 17/7, tại Hà Nội, Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội".
Diễn đàn "Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội"
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá, vươn lên. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiến trình chuyển đổi đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tuy nhiên, khi triển khai, quá trình chuyển đổi số trong khu vực công cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức về hạ tầng số, đặc biệt ở cấp cơ sở chưa đồng bộ; dữ liệu thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn nhân lực có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, tâm lý e dè đổi mới ở một số nơi. Cùng với đó, hệ thống thể chế và chính sách pháp luật về chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ; các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng, định danh điện tử, chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các hệ thống thông tin vẫn chưa đầy đủ và thống nhất…
Do vậy, ông Phạm Mạnh Hùng mong muốn, diễn đàn sẽ là cầu nối để các đại biểu, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, hiến kế, tháo gỡ những “nút thắt” đang cản trở quá trình chuyển đổi số khu vực công, để đưa chuyển đổi số khu vực công tiến gần hơn tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, từ đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đều nhất trí rằng, chuyển đổi số trong khu vực công đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia, nhất là trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa nền hành chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công. Việc thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số khu vực công sẽ khó tạo ra đột phá thực chất nếu chỉ được nhìn nhận như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần. Thực tiễn trong và ngoài nước đã chứng minh: Chỉ khi chuyển đổi số được tích hợp vào quá trình cải cách kinh tế - thể chế, được đo lường bằng hiệu quả phân bổ nguồn lực, năng suất khu vực công và tác động lan tỏa tới thị trường, thì mới có thể phát huy vai trò là một “nền tảng tăng trưởng mới”. Đây cũng chính là tinh thần cốt lõi mà Nghị quyết 57 đã xác lập - chuyển đổi số không chỉ là mục tiêu, mà còn là phương thức để đổi mới mô hình phát triển quốc gia.
Phương Thanh