Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam 70 năm hình thành và phát triển
30/08/2017 - 14:43

TĐKT – Cách đây 70 năm, ngày 30/8/1947, Công đoàn Bưu điện Việt Nam (nay là Công đoàn Thông tin và Truyền thông) là một trong hai công đoàn ngành đầu tiên được thành lập, trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã có những bước tiến bền vững, mạnh mẽ cả về lượng và chất, xứng đáng với truyền thống của một ngành được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương cao quý.

Trong từng giai đoạn cách mạng, Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông luôn phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động để tổ chức, động viên cán bộ, công chức, đoàn viên, người lao động phấn đấu thực hiện, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành ngày càng phát triển.

Trong công cuộc đổi mới, ngành Thông tin và Truyền thông đã đi thẳng vào công nghệ hiện đại, tạo lập được một thị trường cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích của cả nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ.

Đồng hành cùng chuyên môn vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng đã có sự đổi mới căn bản về nhận thức, lấy lao động, sản xuất, lấy người lao động làm mục tiêu hành động, thúc đẩy sản xuất  phát triển, tạo ra hiệu quả kinh tế. Từ đó nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên, xây dựng đội ngũ và củng cố tổ chức công đoàn.

 

Ngày 29/8, tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường trao tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Công đoàn ngành

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp trong ngành, công đoàn các doanh nghiệp đã chủ động trong việc đề xuất, bàn bạc cùng chuyên môn để làm tốt công tác tư tưởng, khơi dậy động lực cho người lao động, bảo đảm chế độ khi nghỉ việc. Từ đó giúp cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển mạnh mẽ.

Công đoàn tại các đơn vị quản lý nhà nước cũng đã phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt đối với các lĩnh vực có ảnh hưởng, tác động lớn trong xã hội như báo chí, xuất bản, quản lý thông tin trên mạng xã hội, quản lý thuê bao di động…

Vì vậy, từ 17 công đoàn cơ sở (CĐCS) với 1.460 đoàn viên ngày đầu thành lập đến nay, sau nhiều lần đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy, Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông bao gồm: 34 công đoàn trực thuộc, trong đó có 7 công đoàn cấp trên cơ sở và trên 250 CĐCS hoạt động trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với trên 77.000 đoàn viên thuộc 5 lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, xuất bản.

Hệ thống tổ chức không chỉ mở rộng về phạm vi mà cả loại hình hoạt động, từ quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp đến đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với nhiều thành phần đa dạng.

Trong quan hệ quốc tế, Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông đã đặt quan hệ với công đoàn các nước trong khu vực: Viễn thông Singapore, Công đoàn Bưu chính Nhật Bản, Bưu chính, Viễn thông Hàn Quốc, Công đoàn viễn thông Thái Lan. Ngày 1/7/2008, Công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông chính thức gia nhập mạng lưới Công đoàn quốc tế UNI và là công đoàn ngành nghề đầu tiên của Việt Nam tham gia vào một tổ chức công đoàn quốc tế.

Với những kết quả đạt được trong 70 năm qua, Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất...

Hiện nay, toàn ngành Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm (2016 – 2020). Bên cạnh nhiệm vụ tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, chỉ đạo cổ phần hóa các doanh nghiệp trong ngành, định hướng phát triển các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc bộ quản lý, hoạt động của ngành Thông tin và Truyền thông phải gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng thời thực hiện tốt công tác quy hoạch trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, xây dựng nền báo chí, xuất bản Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn….

Để hiện thực hóa những nhiệm vụ đầy thách thức đó, vai trò của Công đoàn ngành là cực kỳ quan trọng. Các cấp công đoàn ngành Thông tin và Truyền thông xác định tích cực nghiên cứu, biến các Nghị quyết của Đảng thành chương trình công tác cụ thể và tổ chức thực hiện thông qua các phong trào thi đua trong toàn ngành nhằm nâng cao năng suất lao động, sáng tạo trong công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, chất lượng và hiệu quả. Công đoàn ngành là chỗ dựa vững chắc của người lao động, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân viên chức ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong mọi hoạt động của ngành Thông tin và Truyền thông.

Mai Thảo