Ngành Hải quan nỗ lực hàng ngày, hàng giờ trong chuyển đổi số, hiện đại hóa hải quan
29/11/2024 - 14:23

BTĐKT - Hiện đại hóa hải quan và sự phát triển của công nghệ số trong ngành Hải quan đang đòi hỏi rất khẩn trương để đáp ứng nhu cầu tạo thuận lợi thương mại và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan trong tình hình mới.

Trên thế giới, năm 2018, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đưa ra mô hình phát triển Hải quan số gồm 6 giai đoạn (Giai đoạn 1: Khởi động Hải quan điện tử; giai đoạn 2: Hải quan điện tử sơ khai; giai đoạn 3: Hải quan điện tử chuyên sâu đối với từng lĩnh vực; giai đoạn 4: Hải quan điện tử tích hợp; giai đoạn 5: Hải quan điện tử tiên tiến; giai đoạn 6: Hải quan số).

Ngành Hải quan nỗ lực hàng ngày, hàng giờ trong chuyển đổi số, hiện đại hóa hải quan

Hiện nay, Hải quan các nước đều tập trung xây dựng cơ quan Hải quan số với trọng tâm là tiếp tục số hóa và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong nước, Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; coi đây là động lực rất quan trọng trong xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã nhấn mạnh ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước; Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch hành động, Chỉ thị về vấn đề chuyển đổi số.

Bộ Tài chính cũng ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động về vấn đề quan trọng này như: Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 9/3/2018 của Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính; Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 1874/QĐ-BTC ngày 27/11/2020...

Đối với ngành Hải quan, ngày 4/5/2022 Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra nhiều mục tiêu, giải pháp và những lợi ích của chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp, người dân, cơ quan Hải quan và các cơ quan có liên quan (các nội dung đã được Tạp chí Hải quan phản ánh đậm nét, xuyên suốt trong thời gian qua).

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT) và Thống kê (Tổng cục Hải quan) Lê Đức Thành, năm 2025, Tổng cục Hải quan thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức và triển khai cơ cấu tổ chức hải quan mới. Theo đó, ngành Hải quan cần triển khai các nội dung CNTT đáp ứng yêu cầu cơ cấu tổ chức hải quan mới.

Cụ thể, đối với hạ tầng mạng, an ninh an toàn, quy hoạch lại hạ tầng mạng WAN để phù hợp với mô hình tổ chức mới, đồng thời phù hợp với quy hoạch chung của hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính.

Thiết lập hệ thống tài khoản AD, sắp xếp hệ thống máy chủ AD phù hợp với mô hình Hải quan mới và quy hoạch hạ tầng mạng WAN. Chuyển đổi, cấu hình lại hệ thống máy trạm và thông tin người dùng hiện có sang hệ thống AD mới. Cấu hình lại các hòm thư điện tử cho cán bộ, công chức hải quan các cấp theo mô hình tổ chức mới

Đối với hệ thống phần mềm nghiệp vụ, ghi nhận hiện trạng hệ thống trước và sau khi chuyển đổi (ví dụ kiểm tra bảng cân đối tài khoản kế toán,...); cấp mã các đơn vị theo cơ cấu tổ chức mới. Thiết lập hệ thống tài khoản người sử dụng hải quan theo cơ cấu tổ chức mới…

Đặc biệt, về xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số, tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan đề nghị Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thay thế Hệ thống VNACCS/VCIS và xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số. Tiếp tục triển khai các nội dung xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số, bao gồm hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, yêu cầu kỹ thuật, thực hiện các thủ tục đầu tư ứng dụng CNTT...

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi số thông qua tiếp tục phối hợp với C06 (Bộ Công an) trong việc triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06); tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ tích hợp dịch vụ công trực tuyến Cổng thông tin một cửa quốc gia và Cổng Dịch vụ công quốc gia (trên cơ sở kế hoạch ban hành)…

Những năm qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về hải quan. Đến nay, đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

Với những kết quả đạt được, năm 2019, Tổng cục Hải quan đã được Hội Truyền thông số Việt Nam trao Giải thưởng Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2019.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống CNTT của Tổng cục Hải quan vẫn còn những tồn tại, hạn chế do đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ lâu, như hệ thống cốt lõi là VNACCS/VCIS được đưa vào sử dụng từ năm 2014.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, có nhiều chỉ đạo sâu sát, mạnh mẽ đối với công tác chuyển đổi số và xây dựng hệ thống CNTT thực hiện hải quan số.

Tại Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 (theo Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ) đưa ra mục tiêu “Xây dựng Hệ thống CNTT hải quan tập trung, tích hợp thông minh đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống, với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”.

Ngày 17/4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn số 245/TTg-KTTH về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan “nâng cấp hệ thống CNTT theo hướng số hóa chứng từ thuộc hồ sơ hải quan tiến tới phi giấy tờ trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, dần tiến đến chấm dứt việc yêu cầu người khai hải quan phải nộp chứng từ giấy thuộc bộ hồ sơ hải quan khi làm thủ tục hải quan”.

Thế giới đang ở kỷ nguyên số với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt sự phát triển chưa từng có của công nghệ số. Theo đó, chuyển đổi số đã trở thành một xu thế tất yếu không thể đảo ngược. Hải quan Việt Nam cũng không nằm ngoài sự vận động chung đó.

Việc chuyển đổi số trong ngành Hải quan là một cuộc cách mạng làm thay đổi cách thức, phương pháp làm việc của cơ quan Hải quan trong bối cảnh mới. Nhận thức được tầm quan trọng như vậy, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã dành nguồn lực và sự quan tâm để triển khai công tác chuyển đổi số, trong đó việc xây dựng hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số.

La Giang