TĐKT - Ngày 28/8 - 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới WHO tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) giai đoạn 2017 - 2025.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được chia sẻ, thảo luận về các nội dung: hướng dẫn xây dựng và triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025; già khỏe mạnh; già hóa và sức khỏe: định hướng hệ thống y tế; thực trạng chăm sóc sức khỏe NCT và hướng dẫn thống kê khám, chữa bệnh cho NCT; định hướng công tác chăm sóc sức khỏe NCT; đánh giá công tác chăm sóc sức khỏe NCT theo mô hình bác sĩ gia đình tại tuyến y tế cơ sở; chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các hoạt động chăm sóc NCT của các địa phương…
Toàn cảnh Hội thảo
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS - KHHGĐ cho biết: Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe NCT tại Việt Nam hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.
NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Đời sống vật chất của NCT Việt Nam còn nhiều khó khăn. 72,3% số NCT sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng NCT sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao. Sức khỏe của NCT còn nhiều hạn chế.
Tuy tuổi thọ trung bình cao (73 tuổi) nhưng gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng cao. Khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây truyền. Trung bình 1 NCT Việt Nam mắc 3 bệnh. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT.
Trước những thực trạng và thách thức đó, ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 7618/QĐ-BYT phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Thời gian thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2017 - 2020; giai đoạn 2 từ 2020 - 2025. Đề án được triển khai trên toàn quốc gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ưu tiên các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cao về NCT, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ cao NCT gặp khó khăn, NCT là dân tộc thiểu số.
Các hoạt động chủ yếu của Đề án: tăng cường truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám, chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe NCT.
Cùng với đó, hoàn thiện chính sách, pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Tăng cường nghiên cứu, hợp tác quốc tế; củng cố, phát triển hệ thống chỉ báo thống kê về quản lý chăm sóc sức khỏe NCT.
Để triển khai Đề án ở địa phương, ngày 22/3/2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn số 1376/BYT-TCDS về hướng dẫn kế hoạch về công tác DS - KHHGĐ năm 2017. Trong đó, giao chỉ tiêu cơ bản: 15% NCT được chăm sóc toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại cơ sở y tế. Tăng thêm 10% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Hiện nay, đã có 17 tỉnh, thành phố xây dựng và trình phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động. Tổng cục DS - KHHGĐ đề nghị các tỉnh, thành phố đã xây dựng Đề án/kế hoạch hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện. Những tỉnh, thành phố còn lại khẩn trương tham mưu xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án/kế hoạch hoạt động để triển khai thực hiện.
Tại Hội thảo, Tổng cục DS - KHHGĐ và Trung ương Hội NCT Việt Nam đã ký kết Kế hoạch phối hợp thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2020.
Bình Nguyên