Quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống
20/09/2024 - 15:35
BTĐKT - Sáng 20/9, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các đơn vị liên quan họp báo thông tin về Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 - năm 2024. 

Họp báo thông tin về hội chợ

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết, hiện cả nước có trên 5.000 làng nghề và làng có nghề đang hoạt động. Trong đó, số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là trên 2.000, thu hút khoảng 1,58 triệu lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 – 6 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều làng tồn tại từ 500 - 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như: Lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng…

Hội chợ Làng nghề Việt Nam là sự kiện thường niên của ngành Nông nghiệp. Trong bối cảnh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ 20 được tổ chức nhằm quảng bá, tuyên dương các làng nghề, phố nghề truyền thống, các nghệ nhân, thợ giỏi có các sản phẩm tiêu biểu; giới thiệu các mô hình làng nghề, phố nghề độc đáo khắp cả nước; kết nối tiêu thụ các sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP. Qua đó, tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và kết nối các doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ sản phẩm.

Hội chợ diễn ra từ ngày 3 - 6/10/2024 tại số 489, đường Hoàng Quốc Việt, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội với quy mô 100 gian hàng tiêu chuẩn và trên 1000 m2 diện tích trưng bày.

Hội chợ trưng bày, giới thiệu nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của các làng nghề, phố nghề truyền thống trong cả nước, điển hình như: Gốm sứ Bát Tràng; tơ tằm Mỹ Đức; thêu ren Thường Tín; đồ gỗ Canh Nậu; tò he Xuân La; chiếu cói Nga Sơn; hương thắp Quốc Tuấn; gốm Chu Đậu… Ngoài ra, hội chợ còn trưng bày nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm chủ lực và các sản phẩm tiềm năng của các địa phương trong cả nước, điển hình như: Gạo séng cù Lào Cai, cà phê Đắk Lắk, chè Thái Nguyên, trà hoa vàng Quy Hoa, bánh đa nem làng Chều, mỳ chũ Bắc Giang…

Trong khuôn khổ hội chợ còn diễn ra nhiều hoạt động khác: Thao diễn nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống; Diễn đàn “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề truyền thống và sản phẩm OCOP qua các sàn thương mại điện tử”; hoạt động livestream bán sản phẩm làng nghề và các nông đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok.

Phương Thanh