Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, các thế hệ nhân chứng, cán bộ Đoàn và sinh viên trao đổi, thảo luận về những vẫn đề lịch sử của phong trào “Ba sẵn sàng” và các phong trào xung kích, tình nguyện của thanh niên, sinh viên Việt Nam; về những chính sách, giải pháp để giáo dục thế hệ trẻ, tiếp tục phát huy giá trị và truyền thống của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề lịch sử của phong trào thi đua “Ba sẵn sàng” và các phong trào xung kích, tình nguyện của sinh viên Việt Nam. Nêu bật sức sống và sự lan tỏa của phong trào ấy trong hoạt động học tập, nghiên cứu và công tác của sinh viên. Đồng thời, chỉ ra những chính sách, giải pháp để phát huy truyền thống và giá trị của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới.
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính là cái nôi của phong trào thi đua “Ba sẵn sàng”.
Năm 1964, trong bối cảnh mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát động phong trào "Tam bắt kỳ", sau đó được đổi tên gọi là phong trào “Ba sẵn sàng”.
Phong trào nhanh chóng lan tỏa, rộng khắp, trở thành ngọn lửa thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên, thôi thúc hàng triệu thanh niên Việt Nam tình nguyện cống hiến cả tuổi thanh xuân và sức trẻ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu.
Thắp sáng ngọn lửa "Ba sẵn sàng", các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội những năm qua đã có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực để phục vụ cộng đồng, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể kể đến các hoạt động tình nguyện tiêu biểu như: Hoạt động tuyên truyền lịch sử - văn hóa Thủ đô; tri thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, chăm sóc thương bệnh binh; bồi dưỡng và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại các trung tâm bảo trợ xã hội, dạy học tình nguyện cho trẻ em làng trẻ SOS - BIRLA; vận động hiến máu nhân đạo...
Khẳng định phong trào “Ba sẵn sàng” có ý nghĩa lịch sử quan trọng, TS Lê Hiến Chương, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: Việc tìm hiểu những vấn đề lịch sử của phong trào vẫn có giá trị thực tiễn đối với công tác đoàn và phong trào thanh niên Việt Nam. Trong bối cảnh mới của thực tiễn xã hội, đặc biệt là khi môi trường thông tin ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp, việc định hướng hành trang lập thân, lập nghiệp cho thanh niên, sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng, cần đặt lên hàng đầu trong công tác đoàn và phong trào thanh niên. Quá trình định hướng này nhằm giúp mỗi thanh niên, sinh viên chuẩn bị và sẵn sàng những yếu tố cơ bản như: Chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng, tâm thế. Đó cũng chính là sự phát huy tinh thần “Ba sẵn sàng” trong thời đại mới.
Thục Anh