Dự và chủ trì hội thảo có: TS. Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Chủ nhiệm đề tài; TS. Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài; ThS. Ngô Thị Việt Hà, Phó Trưởng phòng Phòng II, thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài.
Cùng dự hội thảo có các thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài, lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương.
TS. Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát biểu tại hội thảo
Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Phan Văn Hùng, Phó Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm, coi trọng các điển hình tiên tiến và việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Bác rất chú ý đến việc biểu dương, nêu gương và vai trò, tác dụng của việc biểu dương, nêu gương. Bác viết: “Một tấm gương sống còn giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định, cần tiếp tục thực hiện tư tưởng của Người về thi đua, khen thưởng, coi đây là động lực giúp kiến tạo con người mới xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các đoàn thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có nhiều đổi mới trong phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua, coi việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến là một trong những động lực tinh thần quan trọng để công tác thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống. Các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, biểu dương các điển hình, gương người tốt, việc tốt. Thông qua công tác phổ biến, tuyên truyền, thi đua cùng điển hình tiên tiến đã góp phần giáo dục, bồi dưỡng, phát triển con người, khơi dậy những tiềm năng ở mỗi cá nhân, đồng thời, đấu tranh xóa bỏ những thói hư, tật xấu, hình thành nhân cách con người mới. Từ đó, tạo nên sức mạnh to lớn của toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến còn có tồn tại, hạn chế như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chưa được quan tâm đúng mức; chưa xác định phương pháp thực hiện cụ thể. Nhiều đơn vị phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến chỉ để tuyên dương, chưa phải để mọi người học tập, phấn đấu vươn lên. Trong thực tiễn, tác dụng của một số điển hình tiên tiến còn thấp, hiệu quả nhân rộng và tính lan tỏa chưa cao, có những điển hình tiên tiến được biểu dương, khen thưởng nhưng không nhân rộng được. Công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến tuy có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Các cơ quan truyền thông chưa thường xuyên dành thời lượng tương xứng để giới thiệu, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú, hấp dẫn và lôi cuốn. Những hạn chế này làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả tác dụng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng, chưa tạo động lực cho các tập thể, cá nhân phấn đấu.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn về thi đua, khen thưởng nói chung và công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến nói riêng, góp phần đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới.
Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến vào một số nội dung: Thực trạng công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các đơn vị cơ sở; các nhân tố ảnh hưởng đến việc phát huy vai trò của điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; các giải pháp đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến tại các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương; các giải pháp phát huy vai trò của điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; việc xây dựng các tiêu chí đánh giá điển hình tiên tiến trong cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; các giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước hiện nay.
Kết luận hội thảo, TS. Phạm Huy Giang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Các ý kiến tại hội thảo đã đánh giá được thực trạng công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các đơn vị cơ sở; rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm phát huy vai trò của điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; các giải pháp đột phá để tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến tại các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, qua đó, lan tỏa, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Các kết quả đạt được của hội thảo sẽ là một kênh thông tin giúp Ban Chủ nhiệm đề tài có cơ sở đánh giá toàn diện về vai trò điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến tại các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương.
Nguyệt Hà