BTĐKT - Sáng 23/3, trong khuôn khổ Lễ hội làng Bát Tràng năm 2024, Trung tâm Thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1.000 năm Thăng Long tại xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) đã chính thức ra mắt. Đây là trung tâm đổi mới sáng tạo sản phẩm làng nghề đầu tiên của TP Hà Nội được công bố, gắn biển.
Theo ông Phạm Huy Khôi, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng, đây là mô hình mới trong bảo tồn, phát triển văn hóa làng nghề gắn với phát triển du lịch.
Nghi lễ cắt băng khai trương Trung tâm Thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1.000 năm Thăng Long tại xã Bát Tràng
“Trung tâm đổi mới sáng tạo ra đời là nơi tạo điều kiện cho các câu lạc bộ nghệ nhân, các nghệ nhân, thợ giỏi của làng gốm có sân chơi, có điều kiện phát triển tư duy, sáng tạo ra những sản phẩm, mẫu mã mới. Đặc biệt là gắn những sản phẩm này với việc phát triển đồng bộ về du lịch địa phương trong thời gian tới; đưa du lịch Bát Tràng phát triển mạnh hơn, xứng tầm với văn hóa của làng nghề truyền thống lâu đời Bát Tràng”, ông Phạm Huy Khôi khẳng định.
Trước đó, nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, phát triển hoạt động thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với phát triển các hình thức du lịch trải nghiệm, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc phát triển Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023.
Theo kế hoạch, sẽ có từ 5 - 10 mô hình Trung tâm Thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2024.
Lễ hội làng Bát Tràng năm 2024
Lễ hội làng Bát Tràng năm 2024 Lễ hội làng Bát Tràng năm 2024 diễn ra trong 3 ngày 23 - 25/3 với nhiều hoạt động phong phú: Dân làng dâng lễ Tam Sinh (trâu, dê, lợn), chương trình cấp thủy, rước nước và rước bộ, dâng lễ Tế Thánh, thả hoa đăng, đốt pháo bông trên dòng Nhị Hà kính cáo trời đất thủy thần, giao hiếu với 4 làng; thi đấu thể thao: Các trò chơi dân gian và 3 đêm liên hoan văn nghệ quần chúng… Thông qua Hội xuân truyền thống làng gốm, dân làng cầu mong “Mưa thuận gió hòa”, “Quốc thái dân an”, “Dân sinh an lành hạnh phúc”, “Sản xuất tiêu thụ hanh thông”, “Tăng cường khối đại đoàn kết”… Hội làng cũng là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân công đức của các bậc thánh thần, thành hoàng làng và các bậc tiền nhân tiên tổ. Giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, góp phần xây dựng quê gốm Bát Tràng ngày càng giàu đẹp, văn minh. |
Mai Thảo