BTĐKT - Ông La Văn Sanh (ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi và từ thiện xã hội. Những việc làm ý nghĩa, thiết thực của ông đã và đang phần góp phần chung sức xây dựng nông thôn mới và cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa phong trào thi đua yêu nước ngày càng thực chất, có sức lan tỏa trong cộng đồng.
Ông Sanh sinh ra và lớn lên tại xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Vào năm 1988,ông theo ba mẹ vào Bình Phước lập nghiệp tại ấp Đồng Xê, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Năm 1993, ông xây dựng gia đình và được ba mẹ cho 8 ha đất, trong đó có 4 ha trồng điều năm thứ 3 và 4 ha đất trắng. Có đất, vợ chồng ông tích cực lao động sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc điều và đầu tư trồng mỳ xen canh nên hiệu quả kinh tế cao. Tích lũy vốn, ông đầu tư mở rộng diện tích và đã có tổng cộng gần 20 ha đất, trong đó có 15 ha trồng cao su, 3 ha trồng điều, 2 ha trồng tiêu…
Do diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, người nông dân phải tận dụng đất đai để nâng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, biết áp dụng khoa học - kỹ thuật và tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất thì cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư và tham khảo những mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng, học tập sản xuất. Từ đó, ông rút ra kinh nghiệm và đã xây dựng một mô hình kinh tế hiệu quả, với 20 ha trồng cao su, điều, tiêu… mở đại lý thu mua nông sản, thu lãi mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.Ngoài ra, ông còn tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn vay không lãi, hỗ trợ hộ dân thiếu vốn sản xuất từ 200 đến 250 triệu đồng mỗi năm.
Ông La Văn Sanh kiểm tra máng cạo mủ cao su của gia đình
Với những uy tín và thành quả trong lao động và sản xuất năm 2010, ông được bà con tín nhiệm bầu là Trưởng ấp Đồng Xê và là đại biểu HĐND xã Tân Hòa 2 nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020.
Ấp Đồng Xê có tổng số 205 hộ dân, trong đó gần 130 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng di cư từ vùng núi phía Bắc vào sinh sống. Lúc ông mới đảm nhiệm vai trò trưởng ấp, đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Để vận động nhân dân tham gia vào các hoạt động của ấp, ông cùng một số người trong Ban điều hành ấp tuyên truyền, vận động, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến từng nhà, đồng thời khuyên bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Để bà con tin tưởng, phát triển những mô hình kinh tế hiệu quả, những cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của ấp thì không chỉ nói suông, ông phải gương mẫu, đi đầu thực hiện sao cho hiệu quả; từ đó mới tuyên truyền, vận động bà con làm theo.
Là người nông dân chân lấm tay bùn, hiểu rõ được giá trị của tấc đất tấc vàng, nhưng gia đình ông đã nhận thấy nếu không hy sinh một phần lợi ích của mình thì tuyến đường trục xã sẽ không hoàn thành được. Làm đường giao thông cũng chính là để phục vụ cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì vậy, năm 2021, khi chính quyền có chủ trương xây dựng 5 tuyến đường kết nối từ đường ĐT741 đi vào dự án khu công nghiệp, dân cư Đồng Phú, xã Tân Hòa có tuyến số 3 và số 4 đi qua. Gia đình ông đã tự nguyện hiến hơn 1,42 ha đất với tổng trị giá 13 tỷ đồng để địa phương mở rộng tuyến đường số 4 và đảm bảo cảnh quan nông thôn. Hiện tại, con đường đang thi công, sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng, giờ nhìn thấy tuyến đường trước nhà được mở rộng, ông cảm thấy rất phấn khởi trước đổi thay từng ngày của địa phương.
Máy cơ giới đang thi công tuyến đường trên mảnh đất do gia đình ông La Văn Sanh hiến đất
Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2023, ông vận động người thân trong gia đình tiếp tục hiến 2,4 sào đất, với 260m mặt đường để mở rộng tuyến đường liên xã từ Tân Hòa đi Tân Lợi, trị giá 2 tỷ đồng. Ông nhận thấy, hiến đất cho nhà nước mở đường, người dân được hưởng lợi nhiều nhất. Đường rộng tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, hàng hóa lưu thông thuận lợi, kích thích kinh tế phát triển, giá trị đất tăng lên rất nhiều.
Trong những năm gần đây, giá mủ cao su, tiêu, điều tuy có giảm so với các năm trước đây nhưng thu nhập gia đình vẫn ổn định, kết quả sản xuất, kinh doanh hàng năm của gia đình với tổng thu nhập đã trừ chi phí đạt 2,3 tỷ đồng. Ngoài các việc làm trên gia đình ông còn tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giúp đỡ hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn ở địa phương. Gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” tiêu biểu nhiều năm liền. Trong những năm gần đây gia đình đã tham gia ủng hộ nhu yếu phẩm trị giá 10 triệu đồng và 2 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ bà con phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ hội viên nghèo khó khăn ăn tết Nhâm Dần 23 phần quà, mỗi phần 500.000 đồng, tổng trị giá 11.500.000 đồng.
Với những đóng góp tích cực cho xã hội, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài, phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh trật tự, là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2015 và “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, huyện nhiều năm liền. Đặc biệt, năm 2021, ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” và năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đồng Phú tặng Giấy khen đạt danh hiệu “Gia đình tiêu biểu” thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Nguyễn Thái Đương