Trưởng Tiểu ban quản lý di tích Đình Chùa Hà uy tín
05/02/2024 - 16:12

BTĐKT - Gần 20 năm chấp tác tại Đình Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, dù ở bất kỳ vai trò nào, là kế toán, Phó trưởng Tiểu ban hay Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích Đình Chùa Hà, bà Hoàng Thị Đàn (74 tuổi) luôn gương mẫu, nỗ lực đóng góp công sức, trí tuệ trong công tác quản lý, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích Đình Chùa Hà, tôn vinh truyền thống văn hóa địa phương. Đặc biệt, bằng kinh nghiệm và uy tín của mình, bà Đàn đã giúp Đảng ủy, UBND phường Dịch Vọng quản lý hiệu quả, minh bạch việc tiếp nhận, sử dụng tiền công đức tại cơ sở thờ tự và di tích Đình Chùa Hà, mang lại lợi ích thiết thực cho cả cộng đồng; góp phần tạo dựng niềm tin vững chắc với bách gia trăm họ về văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp nơi đình, chùa tôn nghiêm.

“Tay hòm chìa khóa” của Đình Chùa Hà

Vốn là người gốc ở làng Bối Hà - nơi Đình Chùa Hà tọa lạc, lại có thâm niên làm công tác quản lý một ngân hàng lớn nhiều năm liền, nên ngay sau khi nghỉ hưu, bà Đàn được chính quyền và nhân dân phường Dịch Vọng tín nhiệm bầu là một trong 5 thành viên thuộc Tiểu ban Quản lý di tích Đình Chùa Hà từ năm 2007, với vai trò là người quản lý công tác tài chính.

Bà Hoàng Thị Đàn (thứ năm từ trái sang) được khen thưởng là một trong những cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước phường Dịch Vọng năm 2023

Nhận thức được niềm vinh dự cũng như trọng trách lớn lao mà chính quyền và nhân dân giao phó, bà Đàn luôn nhiệt tình và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong các công việc của đình, chùa.

Ngay từ khi tiếp quản công tác tài chính của Đình Chùa Hà, bà Đàn đã tham mưu với UBND phường và Tiểu ban Quản lý di tích vận hành quản lý theo mô hình đang áp dụng tại các ngân hàng.

Theo đó, mọi khoản tiếp nhận tiền tại đình chùa, bà Đàn đều mở sổ ghi chép đầy đủ. Đối với tiền trong các hòm công đức, định kỳ hàng tháng, được thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom, bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung. Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng, bà Đàn tham mưu cho UBND phường và Tiểu ban Quản lý mở tài khoản ngân hàng để gửi tiết kiệm, nhằm bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.

Bà Đàn cho biết: Mỗi lần thực hiện mở két đều có sự chứng kiến của đại diện Tiểu ban Quản lý di tích gồm kế toán, thủ quỹ, bảo vệ cùng đại diện MTTQ, UBND phường Dịch Vọng cùng kiểm đếm tiền công. Vì vậy, mọi việc diễn ra một cách khách quan và minh bạch. Số tiền công đức tiếp nhận được bớt lại đủ chi cho điện nước và các khoản chi khác như: Lương bảo vệ và phục vụ, bồi dưỡng các cụ trực đình, chùa còn lại gửi ngân hàng để đảm bảo an toàn.

Đối với các khoản chi, bà Đàn áp dụng đúng quy định, quy chế chi tiêu của Tiểu ban Quản lý và UBND phường Dịch Vọng đã thông qua. Thẩm quyền quyết định các khoản chi được bà Đàn thực hiện nghiêm theo quy chế được UBND phường cùng tiểu ban quản lý và các cụ chấp tác tại đình, chùa thống nhất; không để xảy ra việc chi sai, chi không đúng mục đích.

Ông Nguyễn Việt Trung, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng cho biết: Năm 2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC về quản lý thu chi, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích. Nhưng thực chất, các hoạt động quản lý thu chi, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại di tích Đình Chùa Hà đã được thực hiện tiệm cận với hướng dẫn của thông tư này từ năm 2007 đến nay. Do đó, có thể nói, công tác tài chính tại Đình Chùa Hà luôn đảm bảo tính khoa học, minh bạch và đúng pháp luật; tạo niềm tin cho bách gia trăm họ về nơi tôn nghiêm nhất.

Lan tỏa lòng từ bi, bác ái đến cộng đồng

Ông Nguyễn Việt Trung nhận định: Là người có chuyên môn tài chính và phẩm chất đạo đức nên phường rất tin tưởng bà Đàn. Những năm qua, dù ở vị trí nào, bà cũng luôn vì việc chung của đình, chùa và của địa phương.

Từ tháng 3 năm 2023, tại Hội nghị bầu Tiểu ban Quản lý di tích Đình Chùa Hà, nhiệm kỳ 2023 - 2027, bà được bầu vào vị trí Trưởng Tiểu ban với số phiếu tín nhiệm cao nhất.

Bà Hoàng Thị Đàn, đại diện Tiểu ban Quản lý Đình Chùa Hà cùng các thành viên Đoàn công tác của quận Cầu Giấy lan tỏa lòng từ bi, bác ái đến cộng đồng, xã hội qua hoạt động bàn giao màn hình led cho Trường PTDTBT tiểu học và THCS Nậm Cạc, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai

Với vai trò Trưởng Tiểu ban, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát và giúp đỡ, tạo điều kiện của UBND phường Dịch Vọng, bà Đàn đã nhanh chóng thống nhất, đoàn kết tập thể tiểu ban, phối hợp cùng các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân trên địa bàn tiếp tục làm tốt công tác quản lý, tôn tạo, bảo vệ, phát huy giá trị di tích Đình Chùa Hà.

Ngoài tổ chức điều hành duy trì thực hiện nếp sống văn minh, hương khói tại Đình Chùa Hà với tất cả lòng thành kính; tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh truyền thống, nhằm thỏa mãn tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương như: Mở các đàn lễ cầu an cho bách gia trăm họ, ngày Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan; tổ chức các nghi lễ, rồi giới thiệu về lịch sử, văn hóa để nhân dân hiểu sâu hơn về di tích; tổ chức phục dựng lại lễ rước kiệu Đình Hà truyền thống đã bị mai một nhiều năm... Bên cạnh đó, bà Đàn còn dành nhiều tâm huyết cho công tác từ thiện xã hội, với mong muốn lan tỏa lòng từ bi, bác ái đến với cộng đồng xã hội.

Năm nay đã 74 tuổi, tuy tuổi cao nhưng bà Đàn không quản ngại, là đại diện cho Tiểu ban Quản lý Đình Chùa Hà cùng các phật tử và phường Dịch Vọng, các tổ chức, đơn vị, tích cực đi phát tâm thiện nguyện đến mọi miền Tổ quốc.

Chỉ tính riêng năm 2023, Tiểu ban Quản lý Đình Chùa Hà đã hỗ trợ hàng tỷ đồng trong công tác thiện nguyện vì cộng đồng xã hội như: Hỗ trợ các gia đình khó khăn, bị chất độc da cam; nuôi trẻ em tật nguyền, xây nhà tình nghĩa; mua tặng bò, tạo sinh kế cho các hộ nghèo; hỗ trợ công tác tu bổ, tôn tạo các đài liệt sĩ, đài tưởng niệm; hỗ trợ các nạn nhân trong thảm họa động đất Thổ Nhĩ Kỳ, nạn nhân trong vụ cháy tại chung cư mini ở Khương Đình, quận Thanh Xuân; hỗ trợ học bổng, mua bảo hiểm y tế tặng các cháu học sinh nghèo, vượt khó; hỗ trợ các trường học trang thiết bị dạy và học như máy tính, màn hình led; hỗ trợ công tu bổ, sửa chữa chùa Thánh Chúa; hỗ trợ lực lượng công an, tình nguyện viên thực hiện các nhiệm vụ vì cộng đồng xã hội…

Theo bà Đàn, đó là cách tốt nhất để khẳng định được giá trị của những đồng tiền công đức luôn được đặt đúng chỗ; là dịp để nơi cửa đình, cửa chùa tôn nghiêm, thanh tịnh được lan tỏa lòng từ bi, bác ái đến cộng đồng, xã hội; củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào giá trị văn hóa tốt đẹp của các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc.

Mai Thảo