BTĐKT - Phong trào Đồng Khởi năm 1960 đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng như ngọn cờ đầu, có một vị trí xứng đáng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với thắng lợi của phong trào Đồng Khởi và thắng lợi của Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, Bến Tre đã vinh dự được trung ương tuyên dương, phong tặng danh hiệu 8 chữ vàng “Anh dũng đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”.
Để khơi dậy tinh thần "Đồng Khởi" trong đấu tranh giải phóng dân tộc thành phong trào Đồng Khởi trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nhiệm kỳ qua, Bến Tre luôn phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” nhằm khơi dậy lòng yêu nước, sự đoàn kết và phát huy tinh thần vượt khó, khát vọng vươn lên, sáng tạo trong công tác, lao động sản xuất và chiến đấu của mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và mỗi người dân; phấn đấu xây dựng quê hương Đồng Khởi phát triển nhanh, bền vững.
Tiếp nối và phát huy tinh thần thi đua “Đồng Khởi mới” của các nhiệm kỳ trước, sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 01-CT/TU về phát động phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung cụ thể hóa, triển khai, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, tạo được sự quyết tâm, đồng thuận cao, tích cực, hăng hái thi đua trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, khơi dậy được khí thế của phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” theo phương châm “Hai chân - Ba mũi”; theo đó đã hình thành nhiều phong trào hành động thiết thực gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Ở từng nội dung có chọn đơn vị điểm thực hiện để tập trung lãnh đạo, rút kinh nghiệm chung và nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả.
Sau 3 năm triển khai và thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 17/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” đã tạo được sự lan tỏa tích cực trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân, từ đó đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “... xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030” theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra.
Nội dung thi đua được thực hiện theo phương châm “Hai chân - Ba mũi" được xác định đây là nhiệm vụ then chốt, bao trùm, quyết định sự phát triển của tỉnh nên được tập trung triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định, theo dõi, nắm chắc tình hình, thông tin nhiều chiều, lắng nghe ý kiến từ cơ sở để có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát thực, kịp thời giáo dục, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, quyết tâm đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
“Hai chân” bao gồm:
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII, Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa trong thực hiện nhiệm vụ theo hướng rõ người, rõ việc, rõ thời gian; hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động đăng ký làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, đảm bảo phù hợp với từng vị trí công tác trong thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân để thực hiện tốt vai trò nêu gương và hoàn thành các nhiệm vụ được giao;
Phát triển kinh tế - xã hội: Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, nhiều cách làm hay, sáng tạo phù hợp với thực tiễn đã giúp cho đời sống người dân được cải thiện. Phát huy những thành quả đạt được, Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 4798/KH-UBND, ngày 01/8/2022 về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025 triển khai đến các cơ quan, đơn vị, địa phương với nhiều nội dung phong phú và hình thức đa dạng đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân; nhất là việc duy trì chất lượng “xã đạt chuẩn nông thôn mới” và phấn đấu đạt tiêu chí “xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”, “xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”, “huyện đạt chuẩn nông thôn mới” và “huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” được các ngành, các cấp tích cực thực hiện. Năm 2023, tỉnh công nhận 15 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu; lũy kế toàn tỉnh có 95 xã NTM (trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu), 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 37 xã đạt 10 - 14 tiêu chí.
Công tác phát triển đô thị được chú trọng và thực hiện nghiêm túc; hiện có 4 dự án đô thị đã chọn được nhà đầu tư, 1 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, 9 dự án đang xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, 20 dự án đã thông qua Nghị quyết HĐND tỉnh danh mục dự án thu hồi đất, đang thực hiện các bước lập hồ sơ đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư. Công tác tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu, chi tiết, khu chức năng, quy hoạch xây dựng đô thị, lập đề án công nhận các xã đạt chuẩn đô thị loại V được tập trung triển khai theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, phát triển các thành phần kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy kinh doanh và khởi nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực. Phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực, tiếp tục tập trung thực hiện Đề án cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và đầu tư phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định, đảm bảo tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, xã hội diễn ra trên địa bàn.
“Ba mũi” bao gồm:
Về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, đồng hành và hỗ trợ cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thi đua xây dựng và phát triển cộng đồng doanh nghiệp;
Về huy động vốn đầu tư, phát triển hạ tầng: Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 22.720 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ, đạt 94,67% kế hoạch; tình hình cung cấp điện ổn định, bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt; tình hình cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt được tập trung thực hiện, đầu tư, nâng cấp mở rộng các nhà máy nước hiện có, kết nối mạng lưới cấp nước, chuyển nước ngọt từ các nhà máy có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của nhà máy nước nơi có độ mặn cao, giúp trên 92.000 người dân tiếp cận nước ngọt sinh hoạt, được sự đồng thuận cao của người dân.
Về phát triển nguồn nhân lực: Thực hiện tốt công tác quy hoạch nhân sự lãnh đạo, quản lý, trong đó chú trọng tạo nguồn cán bộ trẻ, nữ, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng bộ máy tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực hiên tốt công tác tinh giản biên chế; tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm đẩy mạnh, phát triển khoa học và công nghệ và ứng dụng tiến bộ của khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống của nhân dân, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Nội dung xây dựng điển hình để phát động thi đua và nhân rộng theo phương châm: “Học tập “điển hình”, bắt kịp “điển hình”, vượt qua “điển hình”” được các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và từng giai đoạn, lựa chọn những điển hình tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng, nêu gương và nhân rộng, tạo điều kiện để mô hình, điển hình phát huy tác dụng và là nòng cốt trong các phong trào thi đua ở cơ sở.
Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh đã tôn vinh và khen thưởng cho 75 điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực. Đặc biệt, tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến toàn quốc nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tỉnh Bến Tre đã cử 14 điển hình tiên tiến tham dự hội nghị tại Hà Nội, trong đó có 1 điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được tặng thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU: Cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng trong việc xác định nhiệm vụ của ngành, của đơn vị để triển khai thực hiện theo phương châm “Hai chân - Ba mũi” và việc chọn điển hình để thi đua, nhân rộng theo phương châm: “Học tập “điển hình”, bắt kịp “điển hình”, vượt qua “điển hình””. Một số đơn vị còn chậm ban hành kế hoạch và triển khai phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”. Kế hoạch phát động ở một số nơi còn chung chung, nội dung thi đua chưa xác định “Hai chân - Ba mũi” và nội dung xây dựng điển hình để đề ra tiêu chí thi đua cụ thể, nên việc tổ chức thực hiện chưa thực chất. Việc theo dõi, phát hiện nhân tố mới để bồi dưỡng xây dựng điển hình và nhân rộng chưa thường xuyên. Công tác phối hợp hoạt động tổ chức phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” của chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chưa thường xuyên và thiếu chặt chẽ, phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” còn nhiều nơi chưa thật sự chuyển biến mạnh mẽ.
Để phong trào thi đua “Đồng Khởi mới” theo Chỉ thị 01-CT/TU được thực hiện có hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao, nhận thức đầy đủ, nắm vững tinh thần, nội dung thi đua, đưa phong trào thi đua đi vào chiều sâu, thực chất thì cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai quán triệt và cụ thể hóa Chỉ thị 01-CT/TU; tập trung thực hiện các kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế, quan tâm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Thứ hai, các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh, phối hợp hệ thống truyền thanh huyện, xã, báo, đài để phổ biến, tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là các “điển hình” để tạo sự lan tỏa về nội dung và ý nghĩa của phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trên Zalo, Fanpage, Website của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ ba, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương tiếp tục căn cứ chỉ đạo của trung ương, của tỉnh để chủ động tổ chức thi đua, đăng ký thi đua, cụ thể hóa mục tiêu, nội dung, hình thức với nhiều biện pháp và có sự đổi mới theo từng thời điểm, thời gian đoạn cụ thể sát với yêu cầu nhiệm vụ và khả năng phấn đấu của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Thứ tư, quan tâm công tác phát hiện, biểu dương, khen thưởng, tuyên truyền nhân rộng điển hình theo phương châm: "Học tập "điển hình", bắt kịp "điển hình", vượt qua "điển hình"" để bồi dưỡng, nhân rộng, hỗ trợ về tinh thần, giải pháp kỹ thuật và điều kiện vật chất để các điển hình tiếp tục phát huy khả năng và sức sáng tạo trong công việc và cuộc sống.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện để kịp thời đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân và giúp các đơn vị, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phong trào./.