BTĐKT - Với phương châm gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, trong những năm qua, đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên đã luôn sát cánh cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực hưởng ứng, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động do các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phát động. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động đã xuất hiện hàng trăm tấm gương tiêu biểu trong đồng bào công giáo được biểu dương, tôn vinh.
Đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng kinh tế tại địa phương
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Thái Nguyên là một trong những địa phương có đông đồng bào Công giáo, với trên 30.000 nhân danh sinh hoạt tại 9 giáo xứ, 63 giáo họ ở tất cả 9 huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó có 17 linh mục, hơn 300 chức việc và gần 1.000 người là thừa tác viên, giáo lý viên trưởng các hội đoàn; có 49 nhà thờ, nhà nguyện. Phát huy truyền thống “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo đã và đang từng ngày xây dựng các xứ, họ đạo thêm khang trang, góp phần phát triển kinh tế, đưa quê hương Thái Nguyên ngày càng đổi mới, giàu mạnh.
Trên địa bàn đông bà con Công giáo sinh sống có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Mô hình trồng rau an toàn tại xóm Ngọc Lâm; mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xóm Làng Phan (Linh Sơn, TP Thái Nguyên)… Nhiều người Công giáo thành danh là doanh nhân, tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh giỏi, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động.
Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời, đẹp đạo” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, đồng bào Công giáo đã tham gia đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động, tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh. Nhiều tấm gương tiêu biểu trong các giáo xứ, giáo họ, ban hành giáo, như ông Lê Văn Chinh, Phó Ban Hành giáo Giáo họ Phúc Xuân (TP Thái Nguyên) tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình hiến gần 5.000m2 đất để làm 3km đường giao thông liên xóm theo tiêu chí nông thôn mới.
Trong cuộc vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên cũng tích cực cùng với nhân dân ở khu dân cư xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước; nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp với nếp sống đạo và quy định của pháp luật; đoàn kết lương - giáo và đoàn kết giữa các tôn giáo để cùng nhau xây dựng khu dân cư văn hóa. Toàn tỉnh hiện xây dựng được 22 mô hình “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, trong đó có 11 mô hình phối hợp với các giáo họ.
Nhiều chức sắc, chức việc và đồng bào Công giáo tỉnh Thái Nguyên ngoài việc làm tròn bổn phận của mình đối với việc đạo còn thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người công dân, cùng chung tay gánh vác công việc xã hội, là thành viên tham gia nhiệt tình, tích cực, có trách nhiệm trong các tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể các cấp và ở khu dân cư. Toàn tỉnh hiện có 46 tín đồ là người Công giáo là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; 251 tín đồ tôn giáo tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; nhiều người tham gia ban chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...
Việc tích cực tham gia các tổ chức, đoàn thể của cá nhân đã góp phần phát huy dân chủ, đại diện đem tiếng nói, nguyện vọng của đồng bào công giáo kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở các cấp, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thông qua họ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát động đến được với đồng bào các tôn giáo đạt hiệu quả hơn.
Cùng với việc giữ gìn nếp sống tốt đẹp của người theo đạo, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh còn tích cực tham gia công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện, nhân đạo như: Ủng hộ xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”; ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ. Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh xây dựng “Quỹ tấm lòng bác ái”, hằng năm tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam; tặng nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết; xây dựng công trình dân sinh tại vùng khó khăn.
Có thể thấy, trên tinh thần đoàn kết, đồng hành, gắn bó, đồng bào giáo dân tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát huy tinh thần yêu nước, cùng với các tầng lớp nhân dân tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Qua đó, càng củng cố thêm niềm tin của đồng bào Công giáo đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.
Thu Hòa