BTĐKT - Sáng 3/8, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh doanh thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương.
Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, giúp họ nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để có định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh và thực tiễn hiện nay.
Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho biết: Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% so với cùng kỳ (từ mức 3,7% trong nửa đầu năm) trong nửa cuối năm nay. Để sự phục hồi này đến nhanh hơn đang rất cần vai trò nổi bật của liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh các địa phương. Trong bối cảnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng sẽ giúp tạo thêm động lực cho phát triển vùng cũng như kinh tế ở từng địa phương.
Thời gian qua, việc phát triển mô hình liên kết vùng từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm ở các địa phương đang ngày một phát triển, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế. Mô hình này đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các sản phẩm chất lượng với giá cả cạnh tranh. Các mô hình liên kết đã tạo ra diện mạo mới cho sản phẩm của các địa phương, tạo bước chuyển biến tích cực cho phát triển kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển kinh tế bền vững và bắt kịp xu thế hội nhập kinh tế, quốc tế.
Theo báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam, đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX (riêng 6 tháng đầu năm thành lập mới 1.032 HTX, 133 Liên hiệp HTX và 120.983 tổ hợp tác, trong đó có 76.456 THT nông nghiệp). Việc liên kết vùng mở rộng ra không gian hoạt động chắc chắn sẽ góp phần giúp cho hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.
Tuy nhiên, liên kết vùng dù là vấn đề đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hoạt động hợp tác của các địa phương trong vùng chưa đa dạng, chủ yếu là trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo cán bộ. Hợp tác chủ yếu là song phương, thiếu các hợp tác đa phương. Dù có nhiều cải thiện, chất lượng và phạm vi hoạt động liên kết vùng còn chưa tương xứng với yêu cầu và bối cảnh phát triển.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế các địa phương nói riêng. Qua đó, góp phần tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương… các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế ở các địa phương trong thời gian tới.
Phương Thanh