BTĐKT –Bên cạnh loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, về nguồn, sinh thái nghỉ dưỡng, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên còn chú trọng phát triển du lịch cộng đồng trải nghiệm nông nghiệp gắn với sản phẩm và văn hóa trà. Đây là hướng đi mới của tỉnh Thái Nguyên, góp phần xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.
Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2023
Thái Nguyên là vùng đất trù phú có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê. Trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 52 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 221 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…
Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc với nhiều danh thắng nổi tiếng như hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, điểm du lịch sinh thái Dũng Tân, điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà... Sườn Đông dãy Tam Đảo trùng điệp thuộc tỉnh Thái Nguyên có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá được thiên nhiên kiến tạo làm nên nét độc đáo, riêng có nơi đây. Vùng đất “Đệ nhất danh trà” còn nổi tiếng với những đồi chè xanh ngút ngàn trên những vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài... Đó chính là nguồn lực quan trọng để Thái Nguyên phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là khai thác, phát triển du lịch nông thôn.
Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025 đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; một trong số đó là hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn bền vững gắn với sản phẩm OCOP; xây dựng các tour, tuyến, trục du lịch trải nghiệm kết nối giữa các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, các xóm, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Với những hướng đi đúng đắn, cách làm sáng tạo, những năm gần đây, sản phẩm du lịch của Thái Nguyên đã dần khẳng định được thương hiệu và hình ảnh, trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng, phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Đặc biệt, Thái Nguyên đang tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn theo Đề án Phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Đến những nơi này, du khách không chỉ được trải nghiệm không gian xanh mát của những đồi chè, mà còn trực tiếp trải nghiệm lao động sản xuất cùng người dân, thưởng thức đặc sản do tự tay mình sản xuất, chế biến; đồng thời nghỉ ngơi, thư giãn giữa khung cảnh đồng quê. Được biết, một số cơ sở hiện nay có thể phục vụ đồng thời từ 300 - 500 khách tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất và thưởng trà. Các đoàn khách có thể kết hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, họp lớp gắn với hoạt động tham quan, dã ngoại tại các vùng chè.
Hiện nay, bên cạnh các mô hình du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp khác như: Mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái (vườn nho, dâu tây tại xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ), mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công), vườn hoa ATK (xã Phú Đình, huyện Định Hóa) ...
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, năm 2022 số lượt khách tham quan và lưu trú du lịch của Thái Nguyên đạt 2.160.200 lượt, doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch đạt 1.800 tỷ đồng. Tính riêng quý I năm 2023 số lượt khách du lịch đạt trên 1 triệu lượt khách.
Có thể nói, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Thái Nguyên là hướng đi mới, mang tính bền vững, cần được phát huy, góp phần tạo việc làm cho người lao động, hình thành các điểm du lịch mới thu hút khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phương Thanh